22/09/2008 - 21:57

Phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường cao đẳng

Cần hỗ trợ kinh phí đào tạo

Giờ thực hành tin học của thầy trò Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Theo qui định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ nay đến năm 2015, các trường cao đẳng phải có 40% giảng viên có trình độ sau đại học và đến năm 2020 phải đạt 60% theo tiêu chuẩn. Để đạt chuẩn về đội ngũ theo quy định, các trường còn phải nỗ lực rất nhiều…

Nỗ lực chung

Với bề dày hơn 30 năm phát triển, Trường Cao đẳng (CĐ) Cần Thơ (trước đây là Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ) có thế mạnh về lực lượng giảng viên sư phạm. Nếu như năm 1998, trường chỉ có 86 cán bộ, giảng viên, trong đó có 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ thì nay đã có 137 cán bộ, với 3 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và 11 cán bộ đang học sau đại học. Dự kiến, năm 2009, trường sẽ đưa từ 8-10 cán bộ đi học sau đại học. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho biết: “Đạt được kết quả trên là nhờ sự đồng lòng vượt khó của các cán bộ, giảng viên. Mặt khác, khi cử giảng viên đi học, Ban Giám hiệu đã khảo sát ý kiến của các khoa, bộ môn, nguyện vọng của giảng viên để có mức hỗ trợ phù hợp về thời gian, công việc và chi phí học tập... cho cán bộ, giảng viên đi học”.

Để động viên khuyến khích cán bộ giảng viên đi học, trường giảm 1/3 định mức giờ lao động đối với giảng viên học tập trung. Trường CĐ Cần Thơ còn áp dụng hình thức “trợ lý giảng dạy” nhằm giúp các cán bộ, giảng viên mới về trường vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng chuyên môn, học tập nâng cao trình độ... Từ đó, các giảng viên sẽ vững vàng hơn trong chuyên môn và tác phong sư phạm. Theo qui định, giảng viên mới sẽ có 1 năm thử việc, sau đó, nếu đủ điều kiện sẽ vào biên chế và được tạo điều kiện học sau đại học. Ngoài ra, trường còn tổ chức một số lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học giúp giảng viên nâng cao trình độ để đủ điều kiện tham dự các lớp sau đại học.

Thời gian qua, Trường CĐ nghề Cần Thơ cũng tích cực nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Hiện nay, trường có 53 giảng viên, trong đó, có 7 giảng viên đang học sau đại học... Theo bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cần Thơ, số lượng giảng viên của trường hiện nay cơ bản đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo. Trường luôn tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia các khóa tập huấn Quản trị hệ thống quản lý mạng, lớp phát triển chính sách về đào tạo... Việc mở các lớp học về quản trị hệ thống mạng là bước chuẩn bị để sắp tới trường xây dựng trang web, thư viện điện tử, đưa bài giảng lên mạng... nâng cao hiệu quả đào tạo. Là một trường nghề, nên Ban Giám hiệu trường rất chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực tế của giảng viên. Bên cạnh việc dự giờ, thao giảng, trường tăng cường phối hợp với các cơ sở, xí nghiệp, tạo điều kiện cho giảng viên phụ trách lớp đi thực hành, thực tập. Qua đó, giúp giảng viên tiếp cận thực tế, bổ sung và điều chỉnh chương trình giảng dạy sát hợp hơn.

Ngoài 2 trường trên, thời gian qua, hầu hết các trường cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ như: CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ,... đều nỗ lực xây dựng đội ngũ giảng viên đông về số, mạnh về chất, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ hiện có 28 cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và có 20 cán bộ đang học thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh.

Cần sự đầu tư tương xứng...

Có thể thấy, thời gian qua, tùy theo điều kiện thực tế của mình mà từng trường đều có nhiều cố gắng để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Song, để đạt chuẩn đến năm 2015 có 40% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học và đến năm 2020 là 60% theo qui định của Bộ GD&ĐT thì các trường còn cần phải nỗ lực rất nhiều...

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu một số trường cao đẳng, so với quy mô học sinh, sinh viên hiện có thì lực lượng giảng viên chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trong điều kiện đội ngũ còn thiếu, qui mô đào tạo ngày càng mở rộng, thì việc các trường sắp xếp để đưa cùng lúc nhiều giảng viên đi đào tạo từ 2-3 năm là một sự cố gắng rất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, nói: “ Nhờ có quá trình chuẩn bị, đến nay trường có lực lượng giảng viên khá vững vàng. Tuy nhiên, so với qui mô đào tạo thì lực lượng giảng viên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, phải cần thêm gần 80 giảng viên phục vụ cho các ngành ngoài sư phạm”.

Trước đây, Trường CĐ Cần Thơ là một trường sư phạm nên đội ngũ giảng viên chủ yếu tốt nghiệp ở các ngành sư phạm. Từ khi trường chuyển sang đào tạo đa ngành, nghề thì lực lượng giảng viên dạy các ngành ngoài sư phạm còn thiếu nhiều. Trường phải vận động các giảng viên học thêm bằng thứ hai nhưng do số lượng giảng viên lớn tuổi khá nhiều nên ít nhiều gặp khó khăn. Mặt khác, cán bộ giảng dạy mới về trường là những sinh viên khá, giỏi về chuyên môn nhưng chưa có nghiệp vụ sư phạm, nên phải mất thêm một khoảng thời gian để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho lực lượng này. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban Giám hiệu trường quyết tâm tạo bước đột phá trong công tác đào tạo, để đến năm 2015 có khoảng 200 giảng viên và đến năm 2020 phải đạt từ 220-250 cán bộ giảng viên; trong đó có từ 40%-60% cán bộ có trình độ sau đại học.

Một trong những khó khăn có ảnh hưởng nhất định đến công tác đào tạo ở các trường hiện nay là nguồn kinh phí hỗ trợ giảng viên đi học. Ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết: “Trong điều kiện nguồn kinh phí của thành phố cấp hằng năm có hạn, trường có mức hỗ trợ chi phí cho từng giảng viên đi học ngắn hạn, dài hạn. Nhưng nhìn chung, mức hỗ trợ vẫn còn thấp, chưa tương xứng so với công sức của họ. Đây là cái khó chung của các trường”. Theo bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, trường cũng đang gặp khó khăn về kinh phí đào tạo, nâng chuẩn giảng viên nên hàng năm việc đưa giảng viên đi học sau đại học vẫn còn ít.

Còn thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bày tỏ: “Kinh phí đầu tư của thành phố nói riêng và Chính phủ nói chung cho các trường công lập hạn chế nên việc hỗ trợ cho cán bộ giảng viên đi học chỉ đáp ứng một phần. Đa số cán bộ giảng viên đi học phải vừa nỗ lực học tập và linh động tìm nguồn chi phí riêng để phục vụ cho việc học, do đó, chưa tạo động lực khuyến khích cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.

Theo qui định mới của Bộ GD&ĐT đối với các trường cao đẳng, tỷ lệ giảng viên đảm bảo tương ứng với sinh viên là 20 sinh viên/ giảng viên. Từ nay đến năm 2015, lực lượng giảng viên phải đạt 40% cán bộ có trình độ sau đại học và 60% vào năm 2020. Nhưng để đạt được mục tiêu trên, theo lãnh đạo các trường, ngoài sự nỗ lực của mỗi trường, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu mới.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết