12/05/2015 - 13:01

PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ:

Cần hệ thống hỗ trợ nông dân toàn diện

 

Trước năm 1975, ĐBSCL có khoảng 4 triệu người, đất đai thẳng cánh cò bay. Hiện nay, ĐBSCL dân số tăng lên hơn 4 lần. Dân số càng tăng, diện tích đất sản xuất càng ít dần. Từ chỗ "làm chơi ăn thiệt", hiện nay "làm thiệt vẫn không có ăn", vì sao? Vì sao nông dân ĐBSCL vẫn nghèo, tích lũy kém?… Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS -TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ.

* Trong một thời gian dài nhà nước đã có nhiều nỗ lực để cải thiện sinh kế của nông dân nói chung, nhưng vì sao đời sống một bộ phận nông dân, nhất là người trồng lúa vẫn còn nghèo khó, thưa ông?

- Sau năm 1975, mục tiêu sản lượng lương thực của cả nước 21 triệu tấn. Tại ĐBSCL, từ đầu thập niên 1980, nỗ lực của cả vùng là vượt ra khỏi ngưỡng 5-6 triệu tấn lúa. Đến nay, sản lượng đã tăng lên trên 24-25 triệu tấn/năm, tính quân bình hằng năm sản lượng tăng 11%. Mỗi giai đoạn, sản lượng lúa vùng ĐBSCL đóng góp đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; trong đó vai trò của nông dân rất lớn. Hiện nay, ĐBSCL có 1.140.000 nông hộ trồng lúa, trên 40% trong số này có diện tích bình quân trên 4 công đất lúa/hộ. Bên cạnh đó có hơn 700.000 nông hộ trồng cây ăn trái và 1 triệu hộ nuôi trồng thủy sản… Đa số nông hộ sản xuất quy mô nhỏ.

Không riêng gì nước ta mà bất cứ quốc gia nào hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và đối diện vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) thì nông dân luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất. Nhiều nghịch lý khi dòng chảy đối lưu nông thôn – thành thị, dễ thấy là tình trạng giá cánh kéo và hàng hóa giá rẻ, trong khi dòng ngược lại hàng hóa từ khu công nghiệp, dịch vụ ngoài thành thị về nông thôn lại đắt hơn nhiều. Lao động từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp… Nhiều người hy vọng cải thiện sinh kế, tăng thu nhập để có thể chia sẻ với người thân ở nông thôn. Chuyển dịch lao động nông thôn để không chịu áp lực trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là vấn đề lớn, đòi hỏi cơ hội chuyển dịch lao động phải phát triển những khu vực kinh tế khác chứ không chỉ trong nông nghiệp. Chuyển dịch lao động còn đòi hỏi trình độ lao động, học vấn. Nhưng chuyển dịch lao động qua khu vực khác do trình độ lao động thấp, lương không cao trong khi chi phí sinh hoạt tốn kém, người lao động ở các khu công nghiệp không dư tiền tích lũy nhiều để gởi về gia đình ở quê.

Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng đến mức sống của người ly nông, ly hương lẫn dân ở lại nông thôn.

Nông dân huyện Phong Điền chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: KHÁNH TRUNG

* Theo ông, nông dân miền Tây đang đối diện khó khăn, thách thức gì?

- Hiện nay, dân số ĐBSCL tăng lên. Dân số càng tăng, nhưng diện tích đất sản xuất càng ít dần. Nhớ lại những năm sau hòa bình, dòng người từ thành thị về nông thôn khiến dân số gia tăng trong khi diện tích đất trên quy mô nông hộ ít. Tình thế buộc phải thâm canh và đòi hỏi nhập lượng cao, "đầu vào" vật tư nông nghiệp, phân thuốc bảo vệ thực vật…giá đắt, không ổn định và cả "đầu ra" cũng bất ổn. Bên cạnh đó diễn biến thời tiết cực đoan, mưa bão bất thường, dịch bệnh thường xuyên đã và đang xảy ra khiến nông dân phải luôn đối mặt khó khăn trong sản xuất hiện tại và tương lai.

* Những công trình nghiên cứu kinh tế - xã hội ĐBSCL của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL có cách nào giúp nông dân thoát khỏi bất cập?

- Những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho thấy, bức tranh kinh tế chung có sự đảo chiều rất lớn, sức sản xuất và khả năng tích lũy còn tùy thuộc vào từng tiểu vùng.

Ở vùng thâm canh lúa, diện tích đất sản xuất ít thì tích lũy không được bao nhiêu. Những hộ có mức bình quân ruộng đất dưới 5 công chắc chắn nằm dưới ngưỡng thoát nghèo nhưng rất dễ tái nghèo. Điều này có thể thấy chính vì đất ít nên nông dân phải tìm nhiều cách tăng năng suất như xài phân bón, xịt thuốc với bất cứ giá nào. Với mạng lưới trên 10.000 đại lý vật tư nông nhiệp cấp làng, xã và thực trạng nông dân "mua trước, trả sau" nhiều loại vật tư sẽ khó lựa chọn hàng tốt và khó kiềm chế chi phí sản xuất. Và tất nhiên cũng sẽ khó nâng cao chất lượng hàng hóa nông phẩm theo hướng an toàn cho người tiêu dùng cuối cùng.

Hiện nay, chi phí sinh hoạt gia đình nông dân ĐBSCL bao gồm ăn uống, học hành cho con… chiếm 22%, khoảng 50% cho vật tư nông nhiệp, sản xuất lúa thâm canh tăng vụ nên chi phí trả lãi ngân hàng khoảng 10%, khoảng 5-6% cho quan hệ gia đình lễ nghĩa với hàng xóm (giỗ, cưới…).

* Có giải pháp nào hỗ trợ căn cơ cho nông dân, thưa ông?

- Nông dân ĐBSCL đã thay đổi để thích nghi, nhưng mức độ thay đổi thích nghi còn tùy vào năng lực, khả năng. Đối với người nghèo điều kiện khó khăn, khả năng chống đỡ kém, do đó cần hệ thống hỗ trợ toàn diện (không phải là hỗ trợ bao cấp) để tìm cơ hội như nâng cao giáo dục, nâng cao năng lực về tổ chức cấp cộng đồng và hiệu quả sản xuất. Trong vấn đề này, Nhà nước đã có những chính sách như xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí. Tuy nhiên, cần biết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nông dân để tiếp tục giải quyết bằng những giải pháp tổng hợp, có hệ thống hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân , kể cả hệ thống khuyến nông, tín dụng; nâng cao nhận thức nông dân về sản xuất gắn với thị trường hơn là sản xuất theo thời vụ.

* Theo ông, phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL gắn với nông trại gia đình (nông hộ) cần nhìn nhận như thế nào?

- Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là bắt đầu từ giải pháp tổng thể. Trong kinh tế hội nhập, trước tiên nên tiếp cận theo hướng liên kết vùng. Khi liên kết vùng, của quốc gia nguồn lực không bị triệt tiêu và mỗi địa phương với những lợi thế khác nhau có thể bổ sung cho nhau.

Hội nhập và BĐKH, có thể nhận thấy như trong lĩnh vực sản xuất cá tra ở ĐBSCL. Nếu 8 tỉnh, thành có vùng nuôi ngồi lại, suy nghĩ về cơ chế chính sách, cách vận dụng, vận hành doanh nghiệp, phân tích thật kỹ cơ hội, năng lực hội nhập và quản lý cạnh tranh như thế nào là hợp lý, xem có đồng nhất về chất lượng, số lượng cung ứng có đủ? Có đáp ứng nhu cầu thị trường? Giá cả có đủ sức cạnh tranh? Nếu làm ăn kiểu lẻ tẻ không thể giải được bài toán này. Tương tự lúa gạo sản xuất theo chuỗi giá trị, cần xác định rõ phân khúc thị trường tùy theo điều kiện, lợi thế của từng địa phương.

Trên cơ sở những chương trình cụ thể của từng đề án sẽ đi sâu vào nông thôn, tạo sự chuyển biến, sau đó lồng ghép vào các chương trình cánh đồng lớn, xây dựng nông thôn mới… Đi từ thành công ở cấp cộng đồng rồi nâng lên cấp xã, huyện, tỉnh. Các mô hình đó phải yểm trợ mục tiêu tái cơ cấu nông nhiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh, giảm nghèo cho nông dân- nông thôn.

* Xin cảm ơn ông!

HỮU ĐỨC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết