24/06/2020 - 10:08

Cần giải pháp ứng phó lâu dài, căn cơ 

Ngày 20-6, tại tỉnh Long An đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (XNM), bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019-2020 khu vực ÐBSCL, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì. Tại hội nghị này đã chỉ ra vấn đề cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, XNM ở ÐBSCL, rất cần sự phối của Bộ, ngành liên quan và các địa phương để thực hiện các giải pháp  lâu dài... cho toàn vùng ÐBSCL, để ứng phó hiệu quả hạn mặn trong những năm tiếp theo...

Nhiều công trình bơm tát, trữ nước, chống úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng ở TP Cần Thơ.

Theo Bộ NN&PTNT, XNM bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh ở ÐBSCL từ tháng 12-2019 và liên tiếp tăng cao đến đầu tháng 6-2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh: “XNM mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ÐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm thiểu đáng kể so với mùa khô 2015-2016, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Ðạt được kết quả trên là nhờ sự dự báo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống hạn, mặn…”.

Từ những ảnh hưởng, thiệt hại do khô hạn, XNM, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QÐ-TTg ngày 10-4-2020 hỗ trợ cho 8 tỉnh vùng ÐBSCL ứng phó khô hạn, XNM, với tổng kinh phí 530 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương 2020; Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào vận hành các dự án, công trình phòng, chống XNM, kiểm soát XNM cho khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng XNM cho 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở ÐBSCL…

Bộ NN&PTNT cũng đưa ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó khô hạn, XNM cho những năm tiếp theo. Trong đó, trước mắt các địa phương tăng cường các giải pháp chủ động cấp nước cho các vùng xa nguồn nước ngọt, chú trọng tích nước tại chỗ, xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, trạm bơm, xây dựng hệ thống kênh trục chuyển nước, chuyển đổi một số đập tạm thành các cống chủ động điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp... Về lâu dài, xem xét việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông lớn để kiểm soát nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các tác động từ biển; chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng sinh thái.

Cụ thể, ở vùng thượng nguồn ÐBSCL tập trung hoàn thiện các cống dưới đê bao, bờ bao bảo đảm chủ động xả lũ và tích trữ nước vào mùa khô; bổ sung các trạm bơm tiêu úng để phòng, chống ngập lụt, úng trong mùa mưa; nghiên cứu, xem xét việc xây hồ chứa tích trữ nước cho mùa khô. Vùng giữa ÐBSCL (trong đó có TP Cần Thơ) cần nâng cấp, khép kín các ô bao kiểm soát lũ, XNM vùng cây ăn trái; bổ sung cửa van chủ động kiểm soát mặn tại các cửa lấy nước có nguy cơ bị XNM; cải tạo các cửa cống, nạo vét các tuyến kênh chuyển, phân phối nước liên vùng, tạo nguồn cấp nước cho vùng ven biển; nghiên cứu, xem xét các khu vực phù hợp để tích trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô. Vùng ven biển: đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; đầu tư, nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng các hồ trữ nước trên cơ sở tận dụng các đoạn, nhánh sông cụt, vùng trũng để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất…

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đề xuất Chính phủ chủ trì, chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam phục vụ công tác dự báo XNM; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ÐBSCL khi cần thiết trong thời gian tới; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư bố trí vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách tham gia phòng, chống hạn hán, XNM tại ÐBSCL...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết