22/05/2021 - 20:46

Sạt lở bờ sông đầu mùa mưa

Cần giải pháp quyết liệt hơn 

TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa phục vụ sinh hoạt, phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, vừa tạo nét đẹp đặc trưng của vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), dòng chảy trên sông rạch thay đổi... làm bờ sông bị sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân...

Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng.

Sạt lở nghiêm trọng

Trong 2 ngày 16 và 17-5-2021, trên địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ liên tục xảy ra sạt lở khiến 4 hộ dân (1 hộ ở trọ) không còn nơi cư ngụ. Cụ thể, lúc 3 giờ sáng 17-5, trên tuyến sông Bến Bạ, đoạn qua khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú xảy ra vụ sạt lở khiến nhà của 2 hộ dân bị sụp xuống sông. Thiệt hại tài sản ước tính trên 350 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Bà Nguyễn Thị Tô Châu, chủ căn nhà số 227B, khu vực Phú Thuận, cho biết: “Khoảng 2 giờ 30 phút sáng 17-5, khi con tôi thức pha sữa cho cháu ngoại thì nghe tiếng động lớn của vách tường đang bị nứt ra. Lập tức hô to, cả nhà thức dậy và vội chạy nhanh ra ngoài. Liền sau đó, phần nhà phía sau sụp xuống sông Bến Bạ, kéo theo tài sản, vật dụng gia đình rơi xuống sông. Rất may, lúc đó cả nhà kịp thời ẵm 2 đứa cháu nhỏ chạy ra khỏi nhà nên không ảnh hưởng đến người”.

Cũng theo bà Châu, hôm trước (16-5), con rể bà đi làm về thấy tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt nên chuyển một phần vật dụng gia đình đến gửi nhà người quen. Nhưng, gia đình bà chưa kịp dọn hết tài sản thì sạt lở xảy ra. Ðồ đạc mất hết, chén bát, nồi ơ cũng không còn… Gia đình bà Châu có 8 thành viên, trong đó có một người bị khuyết tật, thuộc diện được hưởng bảo trợ xã hội. Hiện cả nhà đang ở tạm nhà của người thân phía trên đất liền. Hộ bà Phạm Ngọc Hân (kế cạnh gia đình bà Châu) cũng bị sụp đổ 1 căn nhà và 3 phòng trọ cho thuê cùng vật dụng gia đình…

4 giờ sáng 16-5-2021, tại khu vực sông Ba Láng (khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng) cũng xảy ra vụ sạt lở làm căn nhà của ông Ðặng Văn Hạnh bị sụp đổ một phần xuống sông, thiệt hại tài sản trên 20 triệu đồng. Sau những vụ sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng trục vớt tài sản cho người dân. Ðồng thời tháo dỡ phần diện tích nhà bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn, giảm tải bờ sông. Các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở cũng được hỗ trợ một phần tiền trước mắt để hạn chế khó khăn. Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Cái Răng, cho biết: “Sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã hỗ trợ trước mắt cho các hộ dân bị mất nhà mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng. Riêng trường hợp của bà Châu do có hoàn cảnh khó khăn nên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận đang đề nghị hỗ trợ xây dựng lại căn nhà cho gia đình bà từ nguồn vận động xã hội hóa…”.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, vào thời gian chuyển mùa như hiện nay (từ mùa khô sang mùa mưa) thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Bởi, vào mùa khô mực nước xuống thấp làm giảm độ kết dính của đất; sang mùa mưa, đất bị xâm thực nước, đặc biệt là đất ven sông, rạch thêm nước mưa thấm vào, tăng trọng lực và tạo dòng chảy nên dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở. Năm 2020, toàn thành phố xảy ra 30 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch, làm 11 căn nhà sụp đổ hoàn toàn, 67 căn nhà bị sạt một phần, tổng chiều dài sạt lở trên 1,4km, ước thiệt hại tài sản trên 16,6 tỉ đồng... Riêng từ đầu năm 2021, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 5 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 120m, làm ảnh hưởng 21 căn nhà và 3 phòng trọ tại các quận Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Khắc phục sạt lở

Quận Cái Răng chịu nhiều thiệt hại do sạt lở bờ sông, do đó, thời gian tới địa phương sẽ tăng cường phối hợp các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát tất cả các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Từ đó đưa ra phương án khắc phục sạt lở, hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ các tuyến đường giao thông tại khu vực sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, địa phương rất cần sự hỗ trợ đầu tư khắc phục sạt lở của thành phố và bộ, ngành Trung ương…

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhận định: “Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông thay đổi, độ kết dính của đất bị giảm... Do đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh, hạn chế xây dựng công trình, nhà cửa ven sông cần tập trung thực hiện. Bên cạnh đó khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị cần được quan tâm thực hiện thời gian tới...”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, thời tiết đã vào mùa mưa, ngay thời điểm này các địa phương cần chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão, lốc xoáy; các nơi có nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn... Từ đó kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh, rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp khắc phục sạt lở ở khu vực đã và có nguy cơ xảy ra sạt lở…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, nhấn mạnh: “Thời gian tới, đối với các dự án, công trình khắc phục sạt lở đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng thành phố sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Song song đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình chống sạt lở, tạo mỹ quan đô thị ở khu vực ven sông, rạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết