20/10/2008 - 21:54

Cần giải pháp an cư cho người dân vùng sạt lở

Sạt lở bờ sông trong mùa mưa, bão, lũ là một vấn nạn mà người dân, chính quyền địa phương, các ngành chức năng luôn lo lắng, tìm mọi biện pháp khắc phục. Từ đầu mùa mưa đến nay, TP Cần Thơ đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông ở phường An Bình, quận Ninh Kiều và phường Trà An, quận Bình Thủy. Ước thiệt hại trên 130 triệu đồng. Đã có nhiều nỗ lực trong công tác khắc phục, dựng kè chống sạt lở của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn nhiều tuyến bờ sông có nguy cơ bị lạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Khổ vì “hà bá” nuốt

Vụ sạt lở bờ sông tại khu vực gần cầu Cái Răng, thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều vào ngày 10-5-2008 đã khiến người dân lo sợ. Trong đó có 3 căn nhà sàn lợp tôn sụp hoàn toàn xuống sông. Rất may không xảy ra thiệt hại về người. Đoạn sạt lở ven sông dài hơn 100m. Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay ở khu vực gần đoạn sạt lở đang có nguy cơ sạt lở rất cao. Nhiều nền nhà và tường nhà của người dân đã xuất hiện nhiều vết nứt, đe dọa sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Giữa tháng 5-2008, trên sông Trà Nóc đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông tại khu vực 5, phường Trà An, quận Bình Thủy. Chiều dài bờ sông bị sạt lở trên 35m, sâu vào trong trên 10m. Trong khu vực sạt lở có 7 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhà cửa bị sụp xuống sông, với số tài sản thiệt hại hàng chục triệu đồng cho mỗi căn nhà. Cũng ở khu vực này, tại hẻm 5A, phường Trà An, đã xảy ra sự cố sạt lở bờ sông một đoạn khoảng 20m, kéo theo xuống sông phần nhà bếp của 4 căn nhà, rất may không có thiệt hại về người.

 Khu vực sạt lở bờ sông ở phường An Bình vào ngày 10-5-2008 đã được dựng kè (tạm) nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.

Hầu hết những vụ sạt lở, nguyên nhân chủ yếu do bờ sông thẳm sâu, nước xoáy dẫn đến xói lở... Hiện tượng sạt lở bờ sông Trà Nóc, sông Cần Thơ, cặp theo tỉnh lộ 923 (từ Cái Răng đến huyện Phong Điền) đã được các ngành chức năng cảnh báo từ năm 2006. Tháng 10-2007, tại khu vực 2, phường Trà Nóc một đoạn bờ sông Trà Nóc dài gần 50 mét đã sạt lở kéo theo 10 căn nhà chìm xuống sông. Hầu hết tài sản trong các căn nhà này bị mất, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Tấn Dược, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Hầu hết các hộ bị thiệt hại trong các vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc đều gặp khó khăn về chỗ ở, sinh hoạt, kinh doanh mua bán. Địa phương hỗ trợ 1 năm tiền thuê nhà ở cho các hộ bị sạt lở tại khu vực chợ Trà Nóc (khu vực 2, phường Trà Nóc). Vụ sạt lở xảy ra đã được 1 năm, nhưng chỗ ở tái định cư của bà con chưa được ổn định. Vấn đề này quận đang chờ thành phố xem xét, giải quyết”.

Ở tuyến sông Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh cũng nằm trong nguy cơ bị sạt lở rất cao. Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, có nhà nằm cặp sông Cái Sắn, cho biết: “Con sông này rộng, chiều dài bờ sông thẳng và nằm cặp theo quốc lộ 80 nên mỗi khi có mưa, gió lớn đập vào nhà dân nằm cặp theo bờ rất mạnh, có nguy cơ đổ sập nhà rất cao. Đồng thời, bờ sông có đoạn thẳm sâu rất dễ xảy ra sạt lở. Gia đình tôi cũng như bà con sống cặp theo tuyến sông này rất mong Nhà nước thành lập khu dân cư để chúng tôi di dời nhà lên trên đất liền sinh sống”.

Người dân các khu vực sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở trên các sông Trà Nóc, Cần Thơ, Cái Sắn hiện đang sống trong tâm trạng lo lắng, bà con đang chờ chính quyền địa phương, các ngành, các cấp có biện pháp hỗ trợ, giải quyết.

An toàn cho người dân vùng sạt lở

Nói về việc khắc phục sự cố sạt lở, ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Hàng năm, thành phố đều dành ngân sách cho việc duy tu, gia cố, sửa chữa những đoạn đê bao ngăn lũ, các tuyến đường sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay có 3 tuyến dân cư nằm cặp theo sông Trà Nóc, Cần Thơ (đoạn dọc theo tỉnh lộ 923), sông Cái Sắn có đoạn có nguy cơ sạt lở rất cao. Để khắc phục sự cố sạt lở cần đầu tư xây dựng bờ kè trên các tuyến sông này. Nhưng, trước mắt rất cần thiết phải di dời dân để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra”.

Ở các địa phương có 3 tuyến dân cư cặp theo các sông nêu trên cũng đang có kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Theo UBND quận Bình Thủy, quận có chủ trương xây dựng khu dân cư có diện tích 40ha, với sức chứa khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có khoảng 200 hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ sạt lở được bố trí nền nhà. Ông Nguyễn Tấn Dược, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Do chưa có kinh phí thực hiện toàn bộ dự án khu dân cư. Trước mắt, chúng tôi đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí để đầu tư khu dân cư khoảng 6ha, bố trí nền cho các hộ bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở xây dựng nhà ở. Vì, hầu hết bà con sống dọc theo sông Trà Nóc đang gặp khó khăn về chỗ ở”.

Sông Cái Sắn đi qua địa bàn huyện có chiều dài 27km, với trên 2.350 hộ dân sống cặp theo bờ sông, gồm trên 8.300 nhân khẩu. UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng có kế hoạch xây dựng 5 cụm dân cư trên địa bàn để bố trí tái định cư cho các hộ dân nơi đây. Mỗi cụm dân cư có diện tích là 30ha đầu tư xây dựng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng... Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện Vĩnh Thạnh được thành phố đầu tư xây dựng 11 cụm dân cư vượt lũ. Các cụm dân cư này bố trí dân ở các xã vùng sâu, vùng trũng, bị ngập lụt vào xây dựng nhà ở. Riêng, các hộ dân sống cặp theo sông Cái Sắn có nguy cơ bị sạt lở cao nhưng chưa có cụm dân cư để bố trí nền cho bà con xây dựng nhà mới. Hàng năm, vào mùa mưa, lũ người dân ở đây cũng như chính quyền địa phương rất lo ngại vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Huyện rất mong thành phố, Trung ương sớm đầu tư kinh phí xây dựng cụm dân cư cho bà con ở cặp tuyến sông Cái Sắn di dời chỗ ở, ổn định cuộc sống”.

Huyện Phong Điền cũng có kế hoạch di dời người dân ở vùng sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở bờ sông Cần Thơ, ở cặp tỉnh lộ 923 vào xây dựng nhà ở tại khu dân cư Trung tâm Thương mại Phong Điền, khu dân cư Cầu Nhím, Vàm Sáng. Tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp... cụm, tuyến dân cư.

Mới đây, trong buổi làm việc với các địa phương về vấn đề này, đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và yêu cầu: Ngay trong tháng 10 này, tập trung khảo sát thực tế 3 tuyến dân cư cặp theo các tuyến sông nêu trên, đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở của từng tuyến; thống kê tổng số các hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng và bị đe dọa do bờ sông có nguy cơ bị sạt lở... Dựa vào kết quả khảo sát, UBND thành phố xây dựng dự án tái định cư cho các hộ để trình Trung ương xem xét, phê duyệt. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là dự án thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 (2008-2010). Trong đó bao gồm việc hoàn thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trong cụm dân cư (đã xây dựng xong), đồng thời xây dựng các cụm, tuyến dân cư mới, giải quyết chỗ ở cho các hộ dân sống trong vùng bị sạt lở và nguy cơ bị sạt lở”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết