13/01/2019 - 12:16

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Cần đồng thuận, quyết tâm cao  

Lo ngại về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... được thảo luận và đề xuất các phương hướng giải quyết tại Hội nghị Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức trực tuyến toàn quốc.

Lo thiếu phòng học, giáo viên

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 567.000 phòng học, trong đó có gần 425.000 phòng kiên cố (đạt 75%) và trong số này tỷ lệ phòng kiên cố của bậc học mầm non thấp nhất với 64,9%. Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non dưới 45%; vùng Tây Nam bộ có trường lớp kiên cố từ 59% đến 87,9%. Đáng lưu ý nhất là với chương trình hiện hành, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu. 3 khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có thiết bị dạy học tối thiểu chưa đáp ứng 50% nhu cầu. Khó khăn này đã được các đại biểu nhiều tỉnh, thành trình bày tại Hội nghị Triển khai Chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức trực tuyến toàn quốc. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tường, cho biết: Tỉnh đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học để chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Tổng kinh phí cần để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học là hơn 8.000 tỉ đồng; trong đó ưu tiên đầu tư cấp tiểu học. Đó là con số rất lớn đối với tỉnh miền núi như Phú Thọ.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Triển khai Chương trình GDPT mới tại điểm cầu Cần Thơ.

Một vấn đề đáng quan ngại nữa là đội ngũ nhà giáo - một trong những yếu tố quan trọng thực hiện thành công Chương trình GDPT mới. Tính đến tháng 10-2018, toàn quốc có hơn 1,1 triệu giáo viên, cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định về trình độ đào tạo. Song so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu (sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng) là gần 60.000 người. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình mới có việc dạy tích hợp liên môn, thế nhưng hiện nay các địa phương đang thực hiện tinh giản giáo viên; gây ra thừa, thiếu cục bộ. Từ đó đặt ra các vấn đề: Việc dạy tích hợp liên môn sẽ được bố trí thời khóa biểu như thế nào; bố trí, sắp xếp giáo viên làm sao để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu; tuyển dụng giáo viên cần thực hiện theo tiêu chí nào để tránh tình trạng tuyển xong lại phải đưa đi đào tạo lại? Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng băn khoăn về điều này khi cho rằng, việc học sinh được lựa chọn các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng chênh lệch các lớp học, môn học; khó tránh chuyện thừa, thiếu giáo viên. Nhiều đại biểu kiến nghị Bộ sớm có phương án giải quyết, tránh lãng phí trong đào tạo.

Nỗ lực vượt khó, chuẩn bị chu đáo nguồn lực 

Tuy còn băn khoăn, lo lắng khi bàn về công tác triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, song phần lớn đại biểu đều đồng tình ủng hộ, bởi chương trình mới có những điểm ưu việt so với chương trình hiện hành: Dạy học cá thể hóa, tích hợp, dạy học thông qua hoạt động; giảm tải số tiết học, số môn; đổi mới cách đánh giá kết quả giáo dục. Đồng thời, chương trình mới còn hướng cho học sinh lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tường, trong tổng kinh phí đầu tư, tỉnh cần hàng trăm tỉ đồng để đầu tư cho cấp tiểu học. Để triển khai chương trình mới lớp 1, năm học 2020-2021, tỉnh cần bổ sung 436 phòng học, 228 phòng máy tính và 5.500 máy vi tính. “Tuy sẽ khó khăn với tỉnh miền núi như Phú Thọ nhưng địa phương cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Chương trình GDPT mới đạt hiệu quả”, ông Tường nói.

Chương trình GDPT mới sẽ có thêm hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền trong giờ hoạt động ngoại khóa. 

Về đội ngũ nhà giáo, theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các trường sư phạm đã quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo từ lâu, khi Chương trình GDPT mới manh nha. Trong đó chú trọng thay đổi về cách dạy, học, kiểm tra đánh giá và các môn học mới. Giáo viên sẽ được bồi dưỡng từ tổng thể đến từng môn học. Hiện nay hầu hết thầy cô đều sử dụng điện thoại thông minh, kết nối Internet... nên việc bồi dưỡng trực tuyến rất tiện lợi. Ông Minh bày tỏ: “Các trường sư phạm đã chuẩn bị khá chu đáo, đồng hành cùng tâm huyết và nỗ lực của thầy cô các trường”. Chia sẻ  về công tác này, các trường đào tạo sư phạm ở Cần Thơ cùng cho thấy sự sẵn sàng. Đơn cử như Trường Cao đẳng Cần Thơ đã điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo các ngành sư phạm theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế giảng dạy ở trường phổ thông. Đặc biệt, cập nhật kịp thời chương trình sách giáo khoa mới của ngành GD&ĐT. Phó Hiệu trưởng nhà trường Hồ Thanh Tâm cho biết: Bên cạnh các ngành đào tạo giáo viên truyền thống, năm 2019 trường dự kiến mở thêm 2 ngành học mới (ngành Khoa học tự nhiên, ngành Địa lý và Lịch sử) nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho Chương trình GDPT mới. 

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo Chương trình GDPT mới đã giao nhiệm vụ cho các trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên đồng hành xây dựng, triển khai chương trình ngay từ đầu. Giai đoạn này, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương không được sắp xếp, sáp nhập các trường để đảm bảo đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên kịp thời; bởi thành bại của đổi mới giáo dục chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ thầy cô. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường cho giáo viên đổi mới; quan tâm điều kiện làm việc, đãi ngộ. Cắt giảm những việc gây khó khăn, áp lực cho nhà giáo, tăng cường quản trị trong nhà trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin…

Lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới của Bộ đã có khá lâu và đây là công tác tất yếu theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Hiện nay, mỗi địa phương đang tích cực chuẩn bị chu đáo nguồn lực với quyết tâm cao. Đơn cử TP Cần Thơ từ 2 năm nay đã có sự chuẩn bị nguồn lực khá kỹ. Đến nay, thành phố có 306/461 trường (không tính Trường Dạy trẻ Khuyết tật) đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,38%. Thành phố có khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên; trong đó có 100% cán bộ, giáo viên  đạt chuẩn về chuyên môn, riêng cán bộ quản lý có 87,6% trên chuẩn… đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn ngành mở rộng số trường, lớp dạy 2 buổi/ ngày; cũng như phát triển các mô hình Trường học mới, Trường Điển hình đổi mới, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, mô hình Trường Điển hình đổi mới được triển khai từ năm học 2017-2018, là nền tảng để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới hiệu quả.

***

Tại hội nghị, vẫn còn băn khoăn về sĩ số học sinh mỗi lớp còn đông; một số địa phương còn khó khăn cơ sở vật chất khi triển khai tổ chức lớp học 2 buổi/ ngày; khó về kinh phí, giáo viên… Thế nhưng, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đó là những khó khăn ban đầu nên không vì thế mà chùn bước. Việc thực hiện Chương trình GDPT mới sẽ đạt hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, các địa phương cùng với quyết tâm cao của đội ngũ thầy cô giáo, sự đồng hành của phụ huynh và học sinh.

bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết