(TTXVN)- Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 18-6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) và cho rằng dự án Luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa Trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành để tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý ở cơ sở, cải cách hành chính. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) chỉ rõ: dự thảo luật có 50 điều, trong đó có 7 điều giao Chính phủ và 12 điều giao các bộ, ngành quy định. Đại biểu đề nghị nên giảm quy định của Chính phủ và các bộ, ngành để luật sau khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, nhằm tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Về tổ chức và hoạt động in xuất bản phẩm, các đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) tán thành với quy định trong dự án luật là: "việc thành lập cơ sở in khác phải bảo đảm các điều kiện quy định trong khoản 1 điều 31 và và phải đăng ký hoạt động in với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh".
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị xem lại quy định này vì theo đại biểu nội dung của điều này không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật. Đại biểu dẫn chứng: hiện nay có trên 1.100 cơ sở in không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in. Chính điều này đã tạo kẽ hở, dẫn đến việc quản lý các cơ sở in bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng in lậu, in trái phép xuất bản phẩm ngày càng tràn lan. Quy định như dự án luật là đăng ký với ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng trình tự, thủ tục hồ sơ như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện thì vẫn chưa được đề cập đến. Hơn nữa, các cơ sở in khác ngoài in các xuất bản phẩm còn có phạm vi rộng như: in mẫu mã, bao bì... lại giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, như vậy sẽ không thể quản lý hết được. Đại biểu đề nghị dự án Luật chỉ điều chỉnh các lĩnh vực in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm còn in không phải xuất bản phẩm sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng phải có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này để tránh tình trạng in lậu, in giả lan tràn khắp nơi...
Đối với quy định về xuất bản xuất bản phẩm điện tử, nhiều đại biểu cho rằng xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi khó dự báo trước trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, quy định về xuất bản phẩm điện tử như trong dự án luật còn chung chung, tính khả thi chưa cao và còn bất hợp lý nên cần có khung pháp lý đặc thù để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tử. Các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Triệu Thị Nái (Hà Giang) đồng ý với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là: luật xuất bản (sửa đổi) lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về loại hình xuất bản này và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.
Các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thành lập nhà xuất bản; về quy định những hành vi bị cấm trên xuất bản phẩm; về danh mục xuất bản phẩm ưu tiên; về liên kết trong hoạt động xuất bản; về đối tượng được thành lập nhà xuất bản...
Chiều 18-6, các Đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi) với số tán thành cao.
Theo Chương trình, ngày 19-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về hai dự án là Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.