06/11/2012 - 20:54

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần đầu tư đúng mức cho công nghiệp chế biến nông, thủy sản

Các mặt hàng nông, thủy sản như: gạo, trái cây, cá tra, tôm sú… được xem là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên thời gian qua, đầu tư công nghiệp chế biến nông thủy sản tại nhiều địa phương trong vùng chưa được tương xứng với tiềm năng. Theo các chuyên gia, nếu không kịp thời củng cố, phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản trong vùng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp khó tăng cao, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Thiếu chiến lược phát triển

Thời gian qua, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL luôn gặp phải tình trạng “thiếu thừa” nguyên liệu chế biến. 

Thời gian qua, công nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu tại nhiều địa phương ở ĐBSCL tuy phát triển nhanh nhưng còn tự phát, thiếu quy hoạch. Sự yếu kém của công nghiệp chế biến nông thủy sản thể hiện khá rõ khi nhiều sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của vùng còn chủ yếu ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu trung gian và bán lẻ. Hơn nữa, sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp ĐBSCL có chất lượng chưa cao, chủng loại còn đơn điệu… nên sức cạnh tranh trên thị trường kém. ĐBSCL có diện tích và sản lượng lớn các loại trái cây nhiệt đới, rau củ, sản phẩm thịt gia cầm, gia súc..., đây vốn cũng là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của vùng, nhưng số lượng các nhà máy chế biến các loại nông sản này để xuất khẩu còn rất khiêm tốn, nhiều loại rau củ quả và vật nuôi muốn xuất khẩu phải xuất ở dạng thô hoặc chỉ qua sơ chế.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị Công thương ĐBSCL lần thứ 15 tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho rằng, nhiều sản phẩm nông sản của ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng và lượng xuất khẩu nhưng thiếu các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển và thực hiện việc quy hoạch phát triển chưa tốt, nhất là việc gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản xuất khẩu tại nhiều địa phương còn hạn chế dẫn đến những hệ quả xấu về chất lượng, giá bán hàng và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trong khi đó, nông dân còn sản xuất chạy theo phong trào, nuôi trôm, cá tra ngoài vùng quy hoạch nên dễ bị trúng mùa rớt giá…

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển còn thiếu quy hoạch và thiếu chiến lược lâu dài là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những tồn tại, yếu kém của công nghiệp chế biến nông thủy sản tại ĐBSCL. Để khắc phục hạn chế này, các địa phương cần liên kết lại trên phạm vi vùng, dựa vào lợi thế của từng địa phương và có sự phân vai rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển, tránh giẫm chân nhau. Có như vậy, nông sản của ĐBSCL mới đi xa hơn trong chuỗi giá trị ngành hàng và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Gỡ khó để phát triển

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng: "Trong 5 năm gần đây, do chính sách tăng trưởng tín dụng quá "nóng" và thiếu kiểm soát của hệ thống ngân hàng nên đã có hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản dưới chuẩn ra đời làm cho công suất chế biến vượt xa khả năng cung cấp nguyên liệu. Điều này dẫn đến hiện tượng tranh mua- tranh bán, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hơn 50% các nhà máy chế biến thủy sản ĐBSCL đang khốn đốn vì thiếu thị trường". Theo ông Phục, nhiều loại chi phí sản xuất đã tăng khủng khiếp, mới trong 5 năm qua thôi mà chi phí sản xuất tăng từ 80-100%, nguyên nhân chính là do tác động của lạm phát, lãi ngân hàng và thuế, phí luôn quá cao. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản không thể thiếu các loại phụ gia, hóa chất, gia vị… trong khi hầu hết các loại này đều phải nhập khẩu, đáng nói là chúng ta phải mua từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như: Thái Lan và Ấn Độ… Ông Phục đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta chưa có những doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm đó?". Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay các doanh nghiệp đã khó càng thêm khó và ngành công nghiệp chế biến thủy sản ĐBSCL không thể đứng vững nếu các vấn đề trên không được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ kịp thời.

ĐBSCL là vùng trọng điểm giữ an ninh lương thực cho cả nước, mặt hàng gạo đã mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho quốc gia và có thể vươn lên thứ nhất thế giới trong năm 2012. Tuy nhiên, giá trị gạo xuất khẩu và hiệu quả mà nó mang lại vẫn khiến cho nhiều người chưa hài lòng, nhất là đối với nông dân vì nó chưa tạo ra được sự đột phá trong việc tăng cao nhu nhập cho người nông dân. Bên cạnh việc chưa khai thác tốt thế mạnh sẵn có, chưa đi sâu vào khai thác các phân khúc thị trường cấp cao, thì vẫn còn tình trạng chế biến xuất khẩu gạo theo kiểu "chụp giựt" và thiếu gắn kết trong chuỗi giá trị. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, quy định doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, kho dự trữ hàng… mới được xuất khẩu gạo. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động chế biến xuất khẩu gạo hiện vẫn chưa thật sự gắn kết tốt với khâu sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL. Để hoạt động chế biến xuất khẩu gạo có sự hỗ trợ tích cực hơn đối với sản xuất lúa ĐBSCL, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, nhất là Bộ Công thương cần phối hợp chặt với Bộ NN&PTNT trong việc quy hoạch lại các nhà máy chế biến, đồng thời xem xét điều chỉnh lại cơ chế xuất khẩu gạo, trong đó cần xét đến việc giao quyền tự chủ cho các địa phương trong dự trữ lúa gạo và tìm kiếm thị trường đầu ra.

Hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang từng bước củng cố, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản; đồng thời xác định ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản không chỉ quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó xác định đây là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn cần tập trung phát triển từ nay đến năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong vùng cũng xác định cần phải nâng cao chất lượng hoạt động chế biến nông thủy sản xuất khẩu và đầu tư vào chiều sâu để tạo thêm giá trị sản phẩm và tạo thêm giá trị thương hiệu sản phẩm. Song, ngoài sự nhập cuộc của các địa phương, doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ từ Trung ương.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết