18/02/2013 - 21:52

TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH

Cần cộng đồng trách nhiệm

Giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp là vấn đề nhiều người trăn trở khi đến mùa tuyển sinh. Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp học sinh định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp, sau khi học xong phổ thông. Tuy nhiên, khâu hướng nghiệp ở các trường còn bỏ ngỏ…

* Hiệu quả từ tư vấn hướng nghiệp

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Việt Hồng trong giờ học hướng nghiệp. 

Lương Trần Tâm Thảo, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: "Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ đăng ký dự thi đại học ngành Truyền thông thông tin hoặc Tài chính ngân hàng. Đây là hai ngành học mà em yêu thích, phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình". Thảo học khá các môn: Toán, Văn, Anh văn. Đó là lý do Thảo chọn học hai ngành trên. Theo Thảo, những buổi tư vấn hướng nghiệp do trường tổ chức giúp Thảo có thêm kiến thức, định hướng chọn ngành nghề phù hợp. Tương tự, Trần Mạnh Đức, học sinh lớp 12A1 của trường cũng chọn trường, ngành học vừa sức với bản thân - ngành công an. Mạnh Đức nói: "Em chọn học ngành công an theo ý nguyện của gia đình và sở thích bản thân. Điều quan trọng là với ngành học này, em đủ khả năng để thi tuyển vào. Những chuyến tham quan thực tế ở các đơn vị, giúp em có cách chọn lựa ngành học phù hợp".

Trường THPT Nguyễn Việt Hồng hiện có 1.406 học sinh, trong đó, có 438 học sinh lớp 12. Theo thầy Đào Văn Lê, Phó Hiệu trưởng nhà trường, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông có 2 hình thức là hướng nghiệp nghề và hướng nghiệp tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hướng nghiệp nghề nhằm giúp học sinh hiểu tổng quan về các nghề. Còn hướng nghiệp tuyển sinh giúp học sinh nắm được trường học, ngành học, khối thi... để chọn ngành học phù hợp, sau khi tốt nghiệp THPT. Việc chọn ngành nghề phù hợp sẽ giúp học sinh học tốt hơn, tránh lãng phí về thời gian, công sức… Xác định vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp, những năm qua, nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động, đổi mới phương pháp hướng nghiệp… góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này. Năm 2012, trường đã tiếp 12 trường đại học, cao đẳng đến trường để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Trường tổ chức 4-5 đoàn tham quan các đơn vị, viện, trường, với 1.500 lượt học sinh tham gia. Đó là chưa kể hoạt động mời chuyên gia đến trường và đưa học sinh tham gia ngày hội tuyển sinh do các đơn vị truyền thông tổ chức… Thầy Lê nói: "Các hoạt động đã giúp học sinh chọn học những ngành nghề khá phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình".

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp cũng khá mạnh ở các trường THPT vùng ven, như: Thới Lai, Hà Huy Giáp, Thạnh An, Lưu Hữu Phước… Thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nói: "Tùy theo năng lực của mỗi giáo viên, chúng tôi phân công, phân việc phù hợp. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ các đơn vị ngoài trường tham gia tư vấn cho học sinh. Tại trường, vào ngày Chủ nhật, chúng tôi lồng ghép tư vấn hướng nghiệp ngoại khóa cho học sinh, cụ thể là Ngày hội hướng nghiệp, cung cấp cho học sinh kiến thức ngành, nghề nói chung, các ngành đào tạo ở một số trường nói riêng. Dịp này, học sinh giao lưu trao đổi việc học với nhau…". Theo thầy Khên, qua những lần tổ chức như thế, học sinh mạnh dạn nêu thắc mắc với giáo viên để được tư vấn, cụ thể hơn. Trường THPT Lưu Hữu Phước có 1.152 học sinh, trong đó có 394 học sinh khối 12. Từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, trường đã tổ chức 3 lần tư vấn ngoại khóa. Thầy Khên nói: "So với những năm trước, hiện nay, học sinh có định hướng nghề nghiệp tốt hơn".

* Vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Thực tế, một bộ phận học sinh vẫn còn tâm lý chọn ngành học theo phong trào hoặc các ngành "hot" như kinh tế, y dược,… thích "làm thầy hơn làm thợ". Thầy Đào Văn Lê, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, nói: "Nhiều học sinh thiên về khối ngành khoa học tự nhiên (khối A), nhất là kinh tế". Khi thầy Lê hỏi học sinh lớp 12A2: "Có em nào chọn học khối ngành nông nghiệp?", hầu như không thấy cánh tay nào của học sinh đưa lên. Nhưng khi hỏi về kinh tế, y dược thì các em hưởng ứng nhiệt tình. Theo thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, vẫn còn những học sinh chọn ngành học theo nguyện vọng của gia đình hoặc những ngành nghề ít vất vả, lương cao.

Một nguyên nhân khác khiến công tác tư vấn hướng nghiệp phổ thông gặp hạn chế là vấn đề kinh phí. Kinh phí phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa ở các trường phần lớn từ nguồn xã hội hóa giáo dục nhưng không phải trường nào cũng vận động xã hội hóa hiệu quả, nhất là các trường nằm xa trung tâm thành phố. Thầy Thạch Khên nói: "Trường rất muốn việc tư vấn hướng nghiệp đi vào chiều rộng, lẫn chiều sâu, như đưa học sinh tham dự trực tiếp các làng nghề, đơn vị sản xuất… nhưng do kinh phí có hạn nên nhà trường chưa có điều kiện thực hiện thường xuyên". Cái khó của Trường THPT Lưu Hữu Phước cũng là khó khăn chung của các trường phổ thông vùng ven. Do vậy, lãnh đạo các trường đều mong muốn có sự hỗ trợ từ phía mạnh thường quân, gia đình… Bên cạnh đó, việc dự báo nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương là vấn đề quan trọng. Theo thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, để nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, các địa phương cần nghiên cứu, định hướng nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Đây là điều kiện quan trọng giúp các trường định hướng cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí nhân lực.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết