11/01/2020 - 17:58

Cải thiện chất lượng tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2019 tăng trưởng tín dụng cả nước khoảng 13,75%. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỉ đồng. Hệ thống ngân hàng đảm bảo an toàn chất lượng và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng. Năm 2018-2019, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP giảm xuống dưới 2 lần, chứng tỏ hiệu quả tín dụng đã được tăng cường và củng cố. GDP tăng cao nhưng không đi kèm với mở rộng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ, tốc độ, chất lượng và quy mô tín dụng cũng như cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Có trên 80% nguồn vốn tín dụng được đưa vào sản xuất kinh doanh, tập trung những lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, tỷ trọng tín dụng của toàn hệ thống chiếm khoảng 25%, doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 20%, cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ và tỷ trọng đều có mức tăng ấn tượng.

Cùng với đưa vốn vào sản xuất, hệ thống ngân hàng đã chủ động và tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN nhằm tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Theo NHNN, đến cuối 2019, tổng các khoản nợ xấu chỉ còn 4,59%, nợ nội bảng chỉ còn 1,89% tổng dư nợ. Song song đó, các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của NHNN đã góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát. Năm 2019 cũng là năm thứ tư liên tiếp NHNN đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra (năm 2019, CPI bình quân ước khoảng 2,7%-2,8% so với cùng kỳ năm 2018), góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020; trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4%. Phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Năm 2020, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém). Đồng thời tăng cường cải cách hành chính để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết