23/12/2017 - 08:55

Cái “tâm” của doanh nghiệp và trách nhiệm của chính quyền 

Năm 2017, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của các sở, ngành và lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều DN đã chọn “ngách” thị trường riêng và liên kết với nông dân sản xuất, cùng nông dân tiếp cận thị trường “mua chung, bán chung”.

Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ tăng 7,83% so với năm 2016, vượt 0,03% kế hoạch và cả 3 khu vực đều tăng. Thành phố đã thu hút 22 dự án của các DN ngoài Nhà nước, tổng vốn đăng ký khoảng 5.750 tỉ đồng (trong đó, 4 dự án FDI, vốn đăng ký 184 tỉ đồng); thực hiện đăng ký kinh doanh cho 1.468 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 5.600 tỉ đồng. So với quy mô và tiềm năng của thành phố, số DN đăng ký đầu tư và thành lập mới năm 2017 còn khiêm tốn. Song, những chính sách hỗ trợ của thành phố, cùng với chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố: Ngày thứ Hai tất cả các sở, ngành phải xếp lịch tiếp DN- “Business Monday” đã tạo ấn tượng tốt cho DN về môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Sản phẩm nông sản sạch của Công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ, cho biết: “Mô hình “Business Monday” do UBND thành phố xây dựng và triển khai được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Mô hình này đã cụ thể hóa chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Và điều đó cũng thể hiện quyết tâm “đồng hành cùng DN” của lãnh đạo thành phố”. Theo ông Liêm, Trung tâm đã hỗ trợ DN thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập DN, thủ tục về thuế nhằm giúp DN giảm chi phí gia nhập thị trường. Hỗ trợ DN tiếp cận  nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng: quản trị DN, phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tham gia cụm liên kết ngành…

Theo đánh giá của Hiệp hội DN TP Cần Thơ, DN đánh giá cao những điểm cộng về sự năng động của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc kịp thời của các sở, ngành trong việc gỡ vướng cho DN. Điều này có ý nghĩa rất lớn với DN, nhất là trong xu thế hội nhập, áp lực cạnh tranh rất lớn. Ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, để tiếp tục làm cầu nối cho DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm sẽ tham mưu UBND thành phố các chính sách nhằm đẩy mạnh liên kết ngành và chuỗi giá trị cho các mặt hàng chủ lực, tăng cường tập huấn kỹ năng cho DN. Tổ chức các buổi giao lưu kết nối thương mại giữa các DN thành phố và DN các địa phương trong và ngoài khu vực ĐBSCL, kể cả DN nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Có thể nói, sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan công quyền đã củng cố thêm niềm tin cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, vai trò Nhà nước trong kết nối “4 nhà” cần phải đúng vai và đúng chức năng mới có thể tạo lực đẩy mạnh mẽ cho DN. Cơ cấu kinh tế thành phố đang chuyển động theo hướng dịch vụ- công nghiệp - nông nghiệp. Nông nghiệp dù chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GRDP, nhưng dân số thành phố có 70% thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhiều DN ngành nông nghiệp đã chọn “ngách” thị trường riêng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN

Ở góc nhìn của một DN làm nông nghiệp sạch, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều,  cho rằng không phải có tiền là có thể giải quyết được bài toán nông nghiệp sạch. “Làm nông nghiệp rất rủi ro, vì thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Muốn thuyết phục nông dân làm theo mình, DN phải chứng minh thực lực của mình và làm tốt hơn nông dân về kỹ thuật để có năng suất tốt nhất, chất lượng tốt”- ông Cung khẳng định. Theo đuổi nông sản sạch hơn 10 năm, ông Cung cho biết, đa số những DN làm nông nghiệp sạch ý tưởng ban đầu đều xuất phát từ nhu cầu ăn sạch, an toàn của gia đình. Nhưng làm nông nghiệp sạch phải trải qua quy trình rất dài và phải có lòng tin.      

Vấn đề mà ông Cung và nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trăn trở là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Và tại sao Thái Lan có thể làm tốt và nông sản của họ đi vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt, ngon, giá rẻ hơn dù chi phí vận chuyển cao. Theo ông Cung, nhiều người làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch đã nghĩ mình là “number 1” và tốt phải bán giá cao. “Nhưng vấn đề này chưa đúng, bởi sản xuất phải sạch là trách nhiệm, chứ không phải làm nông sản sạch để bán giá cao. Sự sai lầm này cũng một phần xuất phát từ vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường, nên nhiều người nghĩ mình làm nông sản sạch là hiếm hoi trong xã hội. Làm nông sản sạch phải có cái “tâm”, DN phải hướng dẫn nông dân tiết giảm sự lãng phí trong đầu tư và dìu dắt nông dân đi theo lối tư duy cùng thắng”- ông Cung nói.

Trong tâm thế hội nhập, liên kết là con đường tất yếu để giữ vững thị trường sân nhà và xuất khẩu. Song, một số DN cho rằng, trong vai trò kết nối DN - nông dân, các cơ quan Nhà nước đôi lúc tạo nên sự ngộ nhận cho nông dân là vào liên kết để bán sản phẩm giá cao hơn. Trong khi các DN đều phải đi theo quy luật cung - cầu thị trường, dù làm tốt nhưng bán với giá cao thì không thể bán được hàng do yếu tố cạnh tranh không có. Theo lãnh đạo một DN, giá cao không phải là cốt lõi của vấn đề tạo ra lợi nhuận tuyệt đối cho nông dân, bởi chế biến, năng suất… cũng ảnh hưởng đến giá trị. Do vậy, phải giúp cho nông dân hiểu và thay đổi tư duy cho họ thấy “bán được là tốt”. DN là người mua và họ có quyền mua nhiều giá khác nhau. DN tự lèo lái con thuyền của họ, câu chuyện chiến lược liên kết, giá cả do hai bên mua - bán thỏa thuận với nhau và cơ quan quản lý đóng vai trò bảo vệ hành lang pháp lý, đưa bên mua - bán tôn trọng ký kết.

Mặt khác, văn hóa kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN. Ông Nguyễn Hoàng Cung nêu quan điểm: “Thương hiệu tập thể DN rất cần, nhưng thương hiệu cá nhân cũng cực kỳ quý. Ở Việt Nam, thương hiệu của người chủ lớn hơn của công ty. Khi người chủ DN giữ chữ tín với nông dân, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thì nông dân không bao giờ bỏ DN. Còn nếu ông chủ DN thất tín, dù anh đổi tên hàng chục công ty cũng không thể đứng trên thị trường và thuyết phục nông dân theo mình”. Theo ông Cung, TP Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất sạch và công nghệ cao là con đường duy nhất đưa sản phẩm nông sản hội nhập chủ động, thắng thế trên sân nhà và trên thị trường xuất khẩu. Do đó, trách nhiệm của DN phải làm cho nông dân hiểu để cùng DN làm nông nghiệp sạch. Đó là trách nhiệm chứ không phải câu chuyện hiếm hoi mà một vài DN đang làm. Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp sạch và là điều kiện tốt cho phát triển.

Hiện nay, Công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên đang bao tiêu nhiều vùng trồng trái cây đặc sản ở ĐBSCL như: Xoài Cao Lãnh, Cam xoàn Lai Vung (Đồng Tháp) và đang tập trung cùng nông dân TP Cần Thơ xây dựng những vườn cam xoàn, xoài, ổi, sầu riêng, rau màu… sạch. Công ty đưa kỹ sư đến hướng dẫn và đôn đốc nông dân sản xuất theo quy trình của công ty đưa ra và thu mua lại. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những thị trường lớn. Tại Cần Thơ, công ty cũng có cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm lẻ cho người tiêu dùng. Công ty đang đàm phán đưa trái cây, rau màu vào hệ thống cửa hàng Satra Food và trái cây vào hệ thống siêu thị Vinmart tại Cần Thơ. “Định giá sản phẩm vừa túi tiền của người tiêu dùng. Nghĩ cho người tiêu dùng thì mới đi xa được”- ông Cung nói. 

GIA BẢO 

Chia sẻ bài viết