08/09/2020 - 06:06

Các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của Luật TGPL, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Báo Cần Thơ giới thiệu đến bạn đọc một số quy định về phạm vi, lĩnh vực và hình thức TGPL.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Yến

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Yến

Luật TGPL đã quy định Trung tâm TGPL Nhà nước thực hiện TGPL thuộc 1 trong các trường hợp sau đây: người được TGPL đang cư trú tại địa phương; vụ việc TGPL xảy ra tại địa phương; vụ việc TGPL do cơ quan có thẩm quyền về TGPL ở Trung ương yêu cầu; tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện TGPL trong phạm vi hợp đồng; tổ chức đăng ký tham gia TGPL thực hiện TGPL trong phạm vi đăng ký.

Bên cạnh đó, TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các hình thức TGPL bao gồm: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. Cụ thể: trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng. Khi người được TGPL yêu cầu cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL. Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện TGPL, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL. Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL Nhà nước tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm TGPL Nhà nước có trách nhiệm thụ lý theo quy định và cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng.

Người thực hiện TGPL tư vấn pháp luật cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện TGPL có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được TGPL; đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được TGPL. Trường hợp yêu cầu TGPL là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật ngay cho người được TGPL.

Bên cạnh hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, người thực hiện TGPL còn tham gia với hình thức đại diện ngoài tố tụng. Theo đó, trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc TGPL, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL. Việc cử người đại diện tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng đều phải được lập thành văn bản và gửi cho người được TGPL.

Ngoài ra, Luật còn quy định tổ chức thực hiện TGPL phải bố trí nơi tiếp người được TGPL tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL hoặc tại địa điểm khác ngoài trụ sở của tổ chức, bảo đảm điều kiện để việc trình bày yêu cầu được dễ dàng, thuận lợi. Tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL phải niêm yết lịch tiếp, nội quy tiếp người được TGPL. Người yêu cầu TGPL phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện TGPL, gồm: đơn yêu cầu TGPL; giấy tờ chứng minh là người được TGPL; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL.

Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu TGPL trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL, người yêu cầu TGPL nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL. Trường hợp người yêu cầu TGPL không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu TGPL nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL. Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện TGPL, người yêu cầu TGPL phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL.

Hoàng Yến (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết