26/03/2018 - 10:11

Các hãng công nghệ Trung Quốc đổ xô sang Đông Nam Á 

Các hãng công nghệ Trung Quốc đang có kế hoạch đẩy mạnh tấn công vào thị trường Đông Nam Á. Từ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cho đến nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, các công ty Trung Quốc xem Đông Nam Á là một thị trường quan trọng để đẩy lùi các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Đông Nam Á có hơn 620 triệu dân, do đó bất kỳ công ty nào khai thác được khu vực này sẽ có cơ hội tiếp cận với một trong những “cỗ máy” phát triển quan trọng nhất thế giới trong hai thập kỷ tới.

Giao diện cổng thương mại điện tử Lazada, nơi Alibaba vừa thông báo đầu tư thêm 2 tỉ USD. Ảnh: Dropconfig

Với sự giúp đỡ của chính phủ, trong vòng 5 năm qua, các hãng công nghệ Trung Quốc đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent giờ đây có tổng vốn hóa thị trường hơn 1 nghìn tỉ USD. Alibaba và Tencent hiện nằm trong số 10 công ty thương mại hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau các đối thủ Mỹ như Amazon, Google và Facebook. Trong thị trường điện thoại thông minh, Apple (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc) hiện vẫn đứng đầu nhưng Huawei, Xiaomi và Oppo của Trung Quốc cũng đã lọt vào tốp 5.

Ngoài thị trường nội địa, các công ty này cũng ra sức mở rộng quy mô tại những khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á, nơi  giao dịch bằng tiền mặt còn rất phổ biến do rất ít người thực hiện các giao dịch kỹ thuật số. Alibaba năm 2016 đã giành được quyền kiểm soát công ty thương mại điện tử Lazada đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Vào tháng 6-2017, cổ phần của Alibaba tại Lazada là 83%. Hôm 19-3 vừa qua, Alibaba thông báo đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Lazada, nâng tổng số tiền công ty này đổ vào Lazada lên 4 tỉ USD.

Còn Tencent thì đang hậu thuẫn Sea Limited, tập đoàn Internet có trụ sở tại Singapore, nơi đã huy động hơn 1 tỉ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu vào tháng 10-2017. Trong khi đó, JD.com, một đối thủ thương mại điện tử của Alibaba, hiện mạnh tay đầu tư tại Thái Lan và Indonesia, nơi mà họ hy vọng sẽ sử dụng như một bàn đạp để thâm nhập vào thị trường kho vận và thương mại điện tử ở các nước láng giềng.

Giới phân tích cho rằng khi các hệ thống thanh toán di động và thương mại điện tử tràn vào Đông Nam Á, các công ty Trung Quốc có thể sẽ chiếm lợi thế. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 2 nền tảng thanh toán trực tuyến gồm Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent có thể trở nên phổ biến ở Đông Nam Á tương tự như Apple Pay hay Google Pay tại phương Tây. Song, các hãng công nghệ của Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi mà các hệ sinh thái công nghệ lấy người tiêu dùng Trung Quốc làm trung tâm có thể không được chấp nhận ở Đông Nam Á, trong khi những “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ và Hàn Quốc sẽ không “khoanh tay đứng nhìn”, đặc biệt là trong lĩnh vực điện thoại thông minh và phần cứng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết