14/06/2019 - 09:40

Các “đại gia” nước đóng chai ủng hộ sáng kiến giảm rác thải nhựa 

Lượng khí phát thải toàn cầu tăng cao nhất trong 9 năm qua

Ngày 11-6, những thương hiệu hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đã khởi động sáng kiến 3R nhằm giảm thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa trong bối cảnh cộng đồng gia tăng lo ngại về tác hại do loại rác thải này gây ra đối với môi trường.

Đáng chú ý, trong số các công ty ủng hộ sáng kiến trên có nhà sản xuất sữa chua lớn nhất thế giới Danone và “đại gia” trong ngành đóng gói thực phẩm Tetra Pak, “gã khổng lồ” kinh doanh thực phẩm Nestlé - sở hữu các thương hiệu nước đóng chai Perrier và Vittel. Sáng kiến 3R khuyến khích thu gom và tái chế rác thải nhựa bằng cách giúp các công ty đo lường và đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.

Các công ty sản xuất lớn trên thế giới đang nỗ lực hành động để bảo vệ môi trường trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa. Theo trang web của Danone, tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số hộp nhựa đựng thực phẩm của hãng có thể được tái sử dụng, tái chế hoặc làm phân trộn, tăng so với mức 77% của năm 2017. Thương hiệu nước khoáng Evian nổi tiếng thuộc Danone cũng cam kết trong 5 năm tới sẽ sản xuất các chai nhựa bằng 100% loại nhựa tái chế, tăng từ mức 25% hiện nay.

Theo TTXVN, mỗi năm, hơn 300 triệu tấn đồ dùng nhựa được sản xuất và tính tới nay, ít nhất 5.000 tỉ vật thể nhựa được cho là đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương. Do các yếu tố về chi phí và thời gian, hầu hết các nghiên cứu về ô nhiễm rác thải nhựa mới chỉ được tiến hành ở các vùng nước bề mặt. Những nghiên cứu này đều chỉ ra rác thải nhựa đã gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi sinh của các loài sinh vật dưới nước như cá, rùa, cá voi và chim biển.

♦ Trong diễn biến khác, tập đoàn năng lượng BP ngày 11-6 cho biết lượng khí carbon phát thải trên toàn cầu trong năm 2018 đã tăng 2% - mức cao nhất kể từ năm 2010-2011.

Theo Giám đốc điều hành BP Bob Dudley, khoảng cách giữa yêu cầu hành động vì biến đổi khí hậu với tiến triển thực tế đang ngày một xa nhau khi nhu cầu năng lượng và lượng khí carbon phát thải đều đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy thế giới đang ở trong giai đoạn phát triển không bền vững.

Báo cáo thống kê năng lượng thế giới của BP - vốn được coi là một tiêu chuẩn của ngành năng lượng, khi đưa ra các dữ liệu từ quy mô trữ dầu của các nước đến việc sản xuất năng lượng tái tạo và tỷ lệ tiêu thụ, cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 2,9%. Trong khi lượng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo tăng 14,5% trong năm 2018, song nó mới chỉ chiếm 1/3 tổng lượng điện năng tăng trong năm 2018. Do đó, việc tập trung vào các dạng năng lượng xanh sẽ không thể giúp các nước cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cần tập trung hơn vào việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm từ than đá và dầu mỏ.

Chia sẻ bài viết