08/06/2011 - 15:18

Các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

* Chính sách hỗ trợ từ ngân sách (các cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã)

- Hỗ trợ 100% từ ngân sách trung ương cho: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã;

- Hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; phát triển sản xuất và dịch vụ; nhà văn hóa thôn, bản; công trình thể thao thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản;

- Vốn hỗ trợ một phần cho các công trình khác (tùy theo từng vùng kinh tế - văn hóa)

- Vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình giảm nghèo, Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình... và các chương trình có mục tiêu khác (Chương trình 135, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình hỗ trợ khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi...).

- Vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có).

* Chính sách hỗ trợ tín dụng.

a. Đối tượng được hưởng bao gồm: Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn; cá nhân; chủ trang trại; hợp tác xã, tổ hợp tác (nhóm đồng sở thích) trên địa bàn nông thôn; các tổ chức, cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông-lâm-diêm-thủy sản; các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp hoặc kinh doanh sản phẩm phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn.

b. Các lĩnh vực được ưu tiên vay vốn: Vay cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, diêm, thủy sản; vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; vay đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; vay để kinh doanh sản phẩm và dịch vụ phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-diêm-thủy sản trên địa bàn nông thôn; vay để sản xuất công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; vay tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn; vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.

c. Cơ chế đảm bảo tiền vay: Các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại được các tổ chức tín dụng (ngân hàng, hợp tác xã tín dụng,...) xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thế chấp với mức:

- Tối đa đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.

- Tối đa đến 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất ngành nghề và dịch vụ phi nông nghiệp.

- Tối đa đến 500 triệu đồng đối với chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tuy nhiên, người vay phải nộp bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nếu chưa có thì phải có xác nhận của UBND xã đảm bảo đất không có tranh chấp và có tín chấp của đoàn thể xã hội chính trị của xã; Các đối tượng vay chỉ được vay không thế chấp tài sản tại 1 tổ chức tín dụng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vay vốn.

(Sổ tay hướng dẫn XD NTM cấp xã)

Chia sẻ bài viết