30/04/2009 - 11:28

Các chính khách, tướng lĩnh Mỹ viết về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975 (NXB Thông tấn 2004)

Tổng thống Mỹ Nixon, người đã từng chứng kiến thất bại của quân đội Mỹ trong 12 ngày đêm B52 ném bom đánh phá Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác ở miền Bắc, đã viết trong hồi ký của mình: “Điều lo ngại chính của tôi trong tuần lễ ném bom đầu tiên không phải là những đợt phản đối của trong nước và thế giới, mà chính là thiệt hại nặng nề của B52”. Ông ta đã cay đắng thừa nhận: “Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta là không biết một trong những quy luật của chiến tranh. Đó là, đừng bao giờ bước vào cuộc chiến tranh, nếu không biết cách nào để ra khỏi cuộc chiến tranh đó”.

Tổng thống Nixon còn nhấn mạnh sự thất bại của mình trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam: “Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải giới cầm quyền nước Mỹ chỉ thua trên chiến trường. Nó còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của Quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các buồng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, trong các buồng chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Georgetown, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn, đó là các tầng lớp đã đưa lại sự mạnh mẽ, bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam”. (Báo Nhân Dân hằng tháng, số 96/4-2004).

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam”, đã viết: “Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì mà chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng tôi đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó”... “Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao sai lầm như vậy”.

Tướng C.Oetmolen, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam (1964-1968) trong hồi ký “Tường trình một người lính” đã viết: “Lịch sử rất có thể đánh giá lại rằng nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước chúng ta”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người đã phải nhục nhã ký vào Hiệp định Paris chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam cũng phải thốt lên rằng: “Có điều gì ô nhục hơn khi ba hãng truyền hình Mỹ đã phát về những cảnh diễu hành kỷ niệm chiến thắng Mỹ ngay tại thành phố, đất nước đã giành được chiến thắng đó” (Tin AFP, ngày 4-5-1985).

M.Taylor, cha đẻ của “Chiến tranh đặc biệt”, Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1964-1965), cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson (1965-1968), trong cuốn sách viết về thế hệ thanh niên Mỹ đã than thở: “Cái giá đắt khác nữa mà chúng ta phải trả cho cuộc chiến tranh này là sự chia rẽ nội bộ nước Mỹ, là việc để lộ những nhược điểm nội tại của chúng ta trước thế giới, và là tình trạng mất chủ quyền hành động để đối phó với các vấn đề đối nội, đối ngoại khẩn cấp của chúng ta. Do thất bại này, chúng ta phải trả giá một cái giá nặng nề là sự tan vỡ của nền đoàn kết quốc gia. Tất cả chúng ta có phần mình trong sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chúng tôi cũng nằm trong số đó”. M.Taylor còn thừa nhận: “Chúng ta không đánh giá nổi đức tính cực kỳ hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Kennedy thì nhận xét: “Ngọn lửa cuộc kháng chiến của Việt Nam châm ngòi cho ngọn lửa nổi loạn trên chính đất nước Mỹ”.

Đô đốc Dunwan, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ chua chát: “Cuộc chiến tranh Việt Nam làm mất đi của hải quân Mỹ một thế hệ tàu chiến”.

Frank Snepp, nhân viên tình báo chiến lược CIA của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, trong hồi ký “Cuộc tháo chạy tán loạn” đã viết: “Ngay từ đầu, chính sách của chúng ta quá tồi, không rõ ràng, chính sách ấy chỉ có thể đưa đến chiến thắng của Cộng sản”.

Trùm tình báo Mỹ William Colby, trong hồi ký về chiến tranh Việt Nam (xuất bản năm 1989), đã viết: “... Tổng thống Ford, cắt đứt mọi hy vọng hão huyền vào phút cuối, ra lệnh di tản hoàn toàn sứ quán Mỹ lúc 3 giờ 45 ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trước đó không lâu, Tom Polgar, phụ trách CIA bên đó, có gửi cho tôi (William Colby) một bức điện báo tin kết thúc liên lạc để phá hủy mật mã và máy móc. Ông kết luận bằng những lời sau đây: “Đây là một cuộc chiến đấu lâu dài và khó khăn, và chúng ta đã thất bại. Kinh nghiệm đó là duy nhất trong lịch sử đất nước chúng ta, không có nghĩa là sự kết thúc của Hoa Kỳ với tư cách là cường quốc thế giới. Tuy nhiên, tầm nghiêm trọng của thất bại và hoàn cảnh xảy ra, hình như đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại những chính sách nửa vời thiển cận là đặc điểm chủ yếu tham gia của chúng ta ở đây, mặc dầu sự can thiệp về người và của rõ ràng là hào phóng. Ai không biết rút ra bài học của lịch sử sẽ bị sa vào sự lặp lại. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không biết đến những Việt Nam khác và chúng ta đã rút ra được bài học. Sài Gòn từ biệt ngài” (Tạp chí Xưa và Nay, số 138, tháng 4-2003).

Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford, ngày 15-6-2000, khi trả lời thư của Colin Breussard, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam, đã nói lên nỗi niềm tâm sự của mình về một thực tế thất bại của chiến tranh Việt Nam: “Tháng 4-1975 chắc chắn là một thời điểm khắc nghiệt, mãi mãi không làm phôi pha nỗi đau buồn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của tôi. Tôi cầu xin để những tổng thống Mỹ sau này không bao giờ phải đứng trước những quyết định tàn nhẫn như tôi đã từng... 25 năm qua, tôi vẫn còn ray rứt và mãi mãi khóc thương cho 2.500 lính Mỹ tới bây giờ vẫn còn mất tích... Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời...”.

NGUYỄN XUYẾN

Chia sẻ bài viết