Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc:
Việc sử dụng nguồn ngân sách đầu tư đều được thực hiện công khai, minh bạch
Vị Bộ trưởng thứ 2 đăng đàn trước Phiên họp thứ 18 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã tập trung vào các nhóm vấn đề đơn giản thủ tục đầu tư, phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương và các giải pháp kích cầu nền kinh tế.
Cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư
Liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, Bộ đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư dự án như: Đổi mới mạnh cho các địa phương, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án kể cả những dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước. Chẳng hạn việc thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở: Bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định riêng thiết kế cơ sở, nội dung này được thực hiện cùng lúc với việc thẩm định các nội dung khác của dự án đầu tư. Thực hiện phân cấp mạnh hơn thẩm quyền quyết định đầu tư cho cấp huyện, xã: Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư cho các dự án nhóm A, B, C trong phạm vi khả năng cân đối ngân sách của địa phương sau khi thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp. Quy trình, thủ tục thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ được đơn giản hóa tối đa (không cần lập Hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu mà chỉ cần chủ đầu tư và nhà thầu được kiến nghị chỉ định thầu thương thảo và ký hợp đồng).
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) về việc chỉ định thầu hay tổ chức đấu thầu trong thời gian hiện nay cái nào hiệu quả hơn, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, việc đấu thầu đã mang lại hiệu quả cao trong vấn đề xây dựng cơ bản, và không chỉ ở nước ta mà cả các nước trên thế giới đều cho rằng đấu thầu là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất. Có đấu thầu mới giảm được giá (có dự án giảm tới 40%), trình độ chủ đầu tư, tư vấn tốt. Nhưng đối với một số dự án vùng sâu, vùng xa cần tính toán cho phù hợp, thực tế cho thấy có dự án đã được thực hiện tốt sau khi giao cho địa phương.
Cần công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích gói kích cầu
Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm và chất vấn về việc đảm bảo gói kích cầu 1 tỉ USD của Chính phủ được công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Bên cạnh việc cho rằng kích cầu tốt sẽ góp phần giải quyết bài toán lao động mất việc, bảo đảm an sinh xã hội, vẫn còn những ý kiến băn khoăn việc giải ngân gói kích cầu của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, quá trình phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình có mục tiêu quốc gia được Bộ Kế hoạch Đầu tư lên kế hoạch đầu tư trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, tầm quan trọng thực tế của chương trình và nhu cầu của các địa phương. Về việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ được tập trung cho 4 lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục và y tế. Việc phân bổ này trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Luật ngân sách và được giao cho các Bộ ngành chức năng trực tiếp quản lý theo nguyên tắc vốn tập trung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, công khai, minh bạch, công bằng. Việc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ hiện mới đạt khoảng 60-70% nhu cầu vốn của các địa phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Về vấn đề kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp tài chính kích cầu trên 5 lĩnh vực là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tài chính và tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện chính sách. Đối với việc đầu tư chung từ Ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã đề nghị bảo lưu khoản tiền 7.000 tỉ đồng của ngân sách năm 2008 chưa sử dụng hết chuyển sang sử dụng trong năm 2009; đồng thời đề nghị cho ứng trước một phần ngân sách 2010 cho một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng trị giá 33.000 tỉ đồng; kéo dài khoản trái phiếu chính phủ trị giá 7.700 tỉ đồng của năm 2008 chưa sử dụng hết sang sử dụng cho năm 2009. Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng các biện pháp đảm bảo kích cầu thông qua các chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để đảm bảo ổn định việc sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành, kích thích tiêu thụ hàng hóa. Đến nay, giải ngân 150.000 tỉ đồng vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất.
Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) xung quanh gói kích cầu 1 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ lãi suất, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: Gói kích cầu 1 tỉ USD không chỉ được sử dụng trong hoạt động ngân hàng mà còn được sử dụng trong các chính sách đảm bảo an sinh xã hội như hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng bão lụt... Các biện pháp mà Chính phủ áp dụng trong thời gian qua vừa có tác động kích cung vừa giúp cho việc kích cầu tiêu dùng. Việc sử dụng nguồn ngân sách đầu tư đều được thực hiện minh bạch và tất cả các đối tượng tham gia gói kích cầu 1 tỉ USD đều được công khai.
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc gói kích cầu có được sử dụng để hỗ trợ người dân xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã hay không và tại sao không dùng trái phiếu Chính phủ để nâng cấp bệnh viện ung thư? Bộ trưởng cho biết: Hỗ trợ việc xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã là vấn đề lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên vấn đề này còn khó khăn, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Việc nâng cấp Bệnh viên ung thư là cần thiết, tuy nhiên phải huy động từ nhiều nguồn khác, trong đó có cả huy động từ việc phát hành kết quả xổ số.
LƯU THỊ THOAN - XUÂN KHU (TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh:
Quản lý văn hóa đòi hỏi toàn xã hội phải tham gia
Là Bộ trưởng cuối cùng chất vấn tại Phiên thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi của các đại biểu xoay quanh việc giải quyết tình trạng xâm phạm di tích lịch sử văn hóa, công tác quản lý giữ gìn các cơ sở văn hóa; việc tổ chức lễ hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bảo vệ di tích văn hóa - lịch sử: Cần sự tham gia của người dân
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 4 vạn di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 3.018 Di tích quốc gia , 5.347 Di tích cấp tỉnh. 228 Di tích quốc gia, 69 Di tích cấp tỉnh bị vi phạm. Các thành phố lớn vẫn là những điểm nóng có nhiều di tích bị xâm phạm. Hà Nội là địa phương có nhiều di tích bị xâm phạm nhất. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng xâm phạm di tích là do công tác phân cấp quản lý còn bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến lúng túng trong thực thi và đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong xử lý hoặc xử lý vi phạm thiếu kiên quyết . Việc đầu tư tu bổ di tích còn thấp, đầu tư cho giải tỏa xâm phạm còn thấp hơn nữa. Cùng đó là sự cố ý xâm phạm của một bộ phận người dân hoặc tự ý tu sửa không báo cáo, xin phép.
Giải trình việc xử lý những xâm phạm di tích, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc giải quyết tình trạng xâm phạm di tích văn hóa lịch sử đòi hỏi một quá trình lâu dài, chính quyền các cấp phải ra tay cùng với Trung ương, nhất là trong di dời, giải tỏa vi phạm. Giải tỏa xâm phạm di tích đòi hỏi quỹ nhà, quỹ đất và kinh phí hỗ trợ đền bù, di chuyển không nhỏ trong khi đó chưa có địa phương nào có kế hoạch, chính sách cụ thể và dài hạn cho công tác này dẫn đến số di tích bị xâm phạm được giải tỏa hàng năm ít. Mặt khác, điều kiện khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt, do đó khâu trùng tu tôn tạo di tích cần được làm thường xuyên, đặt ra yêu cầu xã hội hóa. Về cơ chế để người dân tham gia giám sát, xử lý vi phạm di tích, cần có sự tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa, để mỗi người dân hiểu được ý nghĩa, trách nhiệm tham gia bảo vệ di tích của mình, có thể thông qua hoạt động của các tổ dân phố. Không có sự tham gia của người dân thì khó có thể làm tốt được.
Liên quan đến hiện tượng di tích lịch sử văn hóa, danh nhân văn hóa bị lãng quên, trách nhiệm của Bộ trong việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, Bộ Trưởng cho biết, Bộ sẽ phát huy nhiều hơn nữa vai trò của mình trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi thời gian. Nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa gây bức xúc xã hội không chỉ liên qua riêng ngành Văn hóa mà của cả xã hội. Nhằm phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, tới đây, Bộ sẽ có hướng giải quyết, đặc biệt, sẽ có Đề án tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam.
Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thu Ba về việc tổ chức lễ hội không có hiệu quả cao cho quảng bá hình ảnh đất nước nhưng lại gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong thời gian qua tại các địa phương, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, quan điểm của Bộ là tiết kiệm trong việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Các địa phương cần cân nhắc kỹ về phạm vi, mức độ, quy mô khi tổ chức lễ hội. Để hạn chế các lễ kỷ niệm gây tốn kém cần đánh vào ý thức của thủ trưởng địa phương, đơn vị tổ chức cân nhắc tổ chức gọn gàng, tiết kiệm. Về hiện tượng người đi cúng lễ cầm tiền khấn vái tạo nên hình ảnh không đẹp, gây phản cảm tại các khu di tích, đền chùa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ yêu cầu các địa phương có ý kiến với Ban quản lý di tích để hạn chế những hiện tượng trên. Việc người dân đi chùa nhiều hiện nay là do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, điều này không chỉ góp phần củng cố lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, điều quan trọng là cần chống lại việc lợi dụng lễ hội thực hiện những hành vi mê tín dị đoan không đúng với thuần phong mỹ tục của đất nước.
Về vai trò của Bộ trong quản lý việc tổ chức lễ hội và ngày càng nhiều lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, tổ chức lễ hội đều phải xin phép, trừ trường hợp lễ hội truyền thống. Hiện nay không có quá nhiều lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và những lễ hội này du nhập vào là do nhu cầu xã hội. Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã có những tính toán và yêu cầu địa phương quản lý chặt chẽ các lễ hội trên. Tới đây Bộ sẽ có những quy định cụ thể hơn nhằm quản lý hiệu quả các hoạt động lễ hội”.
Trước thực trạng 2/3 các nhà hát trên toàn quốc không sử dụng hết công năng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân nhưng Bộ vẫn trình Chính phủ cho phép xây dựng thêm một số nhà hát từ 5.000-7.000 chỗ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Phần lớn các nhà hát hiện nay có quy mô nhỏ, không nằm ở vị trí trung tâm, xa khu dân cư khó khăn trong việc thu hút khán giả đến thưởng thức nghệ thuật. Cơ sở vật chất của nhiều nhà hát xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn đáp ứng sự đòi hỏi của khán giả. Vì thế, cần nhìn xa trong tương lai, khi đời sống người dân đi lên, chi phí cho giải trí cũng tăng, cần có những nhà hát mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đối với các vi phạm trong việc tang vẫn chưa được giải quyết triệt để, Bộ trưởng cho biết việc này đã được quy cụ thể như không quá 48 giờ phải di quan, người chết vì bệnh dịch không để quá 24 giờ... Đối với cán bộ, đảng viên, Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về văn minh trong việc cưới, việc tang đã nêu rõ cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Ngoài ra, từng cơ quan phải có quy định cụ thể để cán bộ, công nhân, viên chức gương mẫu thực hiện..., bởi một mình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không thể làm xuể.
THANH HÒA - BÍCH THỦY (TTXVN)