03/10/2013 - 08:36

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI KHÔNG ĐƯỢC LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN ĐỂ SÁCH NHIỄU

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BGTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ), bao gồm: quản lý bảo trì ĐTNĐ, thanh tra chuyên ngành giao thông ĐTNĐ; công bố cấp giấy phép hoạt động cảng bến thủy nội địa; cấp phép hoạt động vận tải thủy nội địa và quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa .

Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ kết hợp với Cảnh sát giao thông Công an huyện Thới Lai kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn huyện.  

Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của Cục ĐTNĐ Việt Nam, Sở GTVT trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT ĐTNĐ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự ATGT ĐTNĐ. Đơn vị phải yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ nội quy an toàn lao động trên phương tiện thủy nội địa; định kỳ tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về đảm bảo trật tự ATGT, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng Sở GTVT các địa phương báo cáo Cục ĐTNĐ Việt Nam tình hình đảm bảo trật tự ATGT ĐTNĐ thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.

Ngoài ra, thông tư còn quy định trách nhiệm của Cảng vụ ĐTNĐ; cơ quan cấp giấy phép, cơ quan quản lý đường thủy nội địa, đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa… Trong đó, quy định trách nhiệm chung đối với cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT: phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác và kịp thời khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đúng quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp khi tiếp xúc với đối tượng thanh tra, kiểm tra; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, làm trái với quy định… Thông tư cũng quy định cụ thể về hình thức xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức; xử lý vi phạm của lãnh đạo cấp trên do trách nhiệm liên đới…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2013.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết