18/12/2023 - 11:37

Bứt phá giáo dục đại học vùng ÐBSCL 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế (NQ29), giáo dục đại học vùng ÐBSCL đạt nhiều thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… và nâng cao vị thế các trường. 

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.NG

Tăng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

Theo Bộ GD&ÐT, thực hiện NQ29, tại vùng ÐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học (ÐH). Công tác GD&ÐT được rà soát, sắp xếp phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình học tập. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển quy mô, số lượng và chất lượng.

Vùng ÐBSCL từ việc chỉ có Trường ÐH Cần Thơ vào đầu những năm 2000, đến nay có 10/13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL đã có trường ÐH. Các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường ÐH hoặc có chủ trương đầu tư ÐH. Riêng TP Cần Thơ có 5 trường ÐH và 2 phân hiệu ÐH; Vĩnh Long có 3 trường ÐH và 1 phân hiệu. Các trường ÐH trong khu vực hiện đang đào tạo các trình độ từ đại học đến nghiên cứu sinh, với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi và quản trị, quản lý.

Năm học 2010-2011, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học của vùng là 42.448 sinh viên; đến năm 2019-2020 đạt 149.744 sinh viên. ÐBSCL đứng thứ tư trên toàn quốc về số lượng sinh viên đại học, cao đẳng. Số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh là 5.589 học viên. Chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ ÐH, sau ÐH tại các cơ sở giáo dục đại học (CSGDÐH) tại địa phương có bước khởi sắc. Nhiều chương trình liên kết, đề án đào tạo ÐH, sau ÐH được các bộ, ngành trung ương, địa phương triển khai thực hiện; các đề án đặc thù đào tạo bác sĩ, chuyên ngành y dược, kiến trúc, kinh tế… Ðơn cử như chương trình Mekong 1.000 là kết quả phối hợp giữa Trường ÐH Cần Thơ với các tỉnh, thành trong vùng thực hiện, đến nay đã đào tạo hơn 500 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài.

Theo Ban Giám hiệu Trường ÐH Cần Thơ, sau 57 năm hình thành và phát triển, trường có trên 100 ngành đào tạo bậc đại học, 51 ngành cao học và 21 ngành nghiên cứu sinh, với trên 48.000 sinh viên, học viên. Mỗi năm, trường cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, đây là nguồn lao động lớn có trình độ cao. Hiện nay, trường có 5 trường chuyên ngành: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Trường Thủy sản; 10 khoa, 17 trung tâm, 14 phòng ban, 3 viện, 1 công ty và Trường THPT Thực hành Sư phạm. Trường đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng; đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường ÐH Cần Thơ thành Ðại học Cần Thơ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo

Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi các CSGDÐH phải xác lập vị thế học thuật và chất lượng đào tạo qua đánh giá của thị trường lao động. Kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những công cụ hữu hiệu để các trường thực hiện những chuẩn mực, cũng như tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo. Ở ÐBSCL, 100% trường ÐH đều đã có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Vùng có 15 trường ÐH và 1 trường cao đẳng sư phạm đã được đánh giá ngoài và đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng CSGD. 9 trường ÐH với tổng số 50 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 50 chương trình đào tạo này đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Lãnh đạo Trường ÐH Cần Thơ cho biết: theo Webometrics, trường được xếp thứ 10 trong cả nước (năm 2023) và theo xếp hạng của QS thì thứ 501-550 châu Á (năm 2022), đặc biệt ngành nông nghiệp và thủy sản được xếp 251-350 thế giới (tùy năm trong giai đoạn 2020-2022). Công bố khoa học của trường liên tục tăng trong nhiều năm qua, năm 2022 chỉ số xuất bản của giảng viên (số bài báo/số giảng viên) là 1,96 bài, trong đó bài báo đăng  trên tạp chí quốc tế uy tín (WoS và Scopus) là 0,61 bài. Trường ÐH Cần Thơ đang có nguồn cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học thuộc nhóm các trường hàng đầu của Việt Nam.

Trong khi đó, theo kết quả của AD Scientific Index 2023, Trường ÐH Trà Vinh xếp hạng 37 trong hơn 120 trường đại học tại Việt Nam. Nếu chỉ xét đến các trường đại học được thành lập sau năm 2000, Trường ÐH Trà Vinh xếp hạng thứ 8; từ đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ÐH Trà Vinh, đây là kết quả sự nỗ lực của sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học và nghiên cứu tại trường. Trường ÐH Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chất lượng giáo dục để nâng tầm vị thế; tiếp tục liên kết với các tổ chức, viện, trường, doanh nghiệp, cộng đồng trong nước và quốc tế để tăng cường hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn.

Thời gian tới, Trường ÐH Trà Vinh đặt mục tiêu trở thành một trường đại học vươn tầm ảnh hưởng trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về lĩnh nông nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học sức khỏe, văn hóa, kinh tế, logistics, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật và năng lượng… Những sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên nhà trường gắn với thực tiễn, ứng dụng cao, góp phần phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khu vực và cả nước.

*  *  *

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, GDÐH cả nước nói chung, GDÐH vùng ÐBSCL nói riêng có sự phát triển bứt phá, tạo cơ hội học tập ở trình độ cao cho người dân ÐBSCL. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện NQ29 do Bộ GD&ÐT vừa tổ chức, nhiều đại biểu nhìn nhận một số hạn chế trong GDÐH, từ đó đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển GDÐH. Trong đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục; hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDÐH phù hợp với xu thế chung của thế giới; tập trung đầu tư cho GDÐH để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình CNH, HÐH đất nước, đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDÐH...

NGỌC NGỮ

 

 

Chia sẻ bài viết