14/01/2024 - 23:41

Bước phát triển của giáo dục và đào tạo ĐBSCL 

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (NQ29), vùng ÐBSCL đã đạt nhiều thành tựu trong đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo… Từ đó, tạo đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD&ÐT toàn vùng.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) trong giờ học. Ảnh: CTV

Nhiều chuyển biến tích cực

ÐBSCL có 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ. Theo đánh giá của Bộ GD&ÐT, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ÐT vùng ÐBSCL tiếp tục ổn định. Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD&ÐT vùng ÐBSCL giai đoạn 2010-2021 là 491.549,65 tỉ đồng. Từ đó quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học ngày càng phát triển. Minh chứng cụ thể ở chất lượng cấp THPT, vùng có số lượng học sinh tiệm cận mức trung bình chung của toàn quốc với tỷ lệ 911,5 học sinh trên một cơ sở. Ðội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng và chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm; chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học ngày càng tăng. Từ việc chỉ có Trường Ðại học Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ XXI, hiện nay 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học.

Ðó là kết quả tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển GD&ÐT trên địa bàn của các cấp ủy đảng, chính quyền. Ðơn cử như UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HÐND tỉnh ban hành các nghị quyết quan trọng về chính sách phát triển lĩnh vực này, cũng như hỗ trợ giáo dục vùng khó và thu hút giáo viên. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Tiền Giang, trong 10 năm thực hiện NQ29, mạng lưới trường học của tỉnh được xây dựng rộng khắp; trường, lớp trung tâm dạy nghề phát triển với nhiều hình thức. Số trường lớp học được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Chất lượng dạy và học tiếp tục đảm bảo. Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học từng bước củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa trình độ đào tạo...

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ khi triển khai NQ29, tổng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm bảo đảm theo yêu cầu. Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tỉnh triển khai thực hiện NQ29 sâu rộng và thực sự đi vào đời sống. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ðội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phát triển cả về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ðến nay, theo Luật Giáo dục 2019, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ quản lý là 100%.

Tại TP Cần Thơ, sau 10 năm triển khai thực hiện NQ29, GD&ÐT của thành phố cơ bản đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh ở các bậc học, cấp học ngày càng tăng. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của từng địa phương (có hơn 14.400 viên chức, nhân viên; trong đó, 100% cán bộ quản lý đạt và vượt chuẩn). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt trên 97%; thành phố có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, khu vực, quốc tế...

Tạo nền tảng cho đổi mới

Ðể tiếp tục thực hiện NQ29 đạt yêu cầu đề ra, các tỉnh thành ÐBSCL xác định việc tăng cường đầu tư tạo nền tảng cho đổi mới GD&ÐT là một trong những khâu then chốt.

Tiêu biểu như TP Cần Thơ đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi như sau: nhà trẻ và mẫu giáo 99,15%, tiểu học 100%, THCS 95%. Phấn đấu ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%. Ðể đạt được các mục tiêu này, lãnh đạo thành phố xác định huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh vị thế trung tâm vùng về GD&ÐT. Mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình, đạt chuẩn; tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân mở trường đạt chuẩn quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ÐBSCL. Ðồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố những năm tiếp theo.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Tiền Giang, để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT, trước hết cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, là tấm gương cho học sinh noi theo. Mặt khác, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; phải gương mẫu, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất, có khả năng quy tụ và lãnh đạo tập thể hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục, vận động cần tiến hành thường xuyên, liên tục; hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung, thông điệp thiết thực, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng…

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ29 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức, địa phương xác định còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, đồng thời đề ra mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ÐT. Ông Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết thời gian tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD&ÐT. Trong đó, quan tâm phân bổ nguồn lực cho giáo dục đúng quy định; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại, đáp ứng xu hướng phát triển. Huy động các nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động giáo dục. Tiếp tục đưa chỉ tiêu về GD&ÐT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ông Ngô Chí Cường nhấn mạnh: Với nội dung cốt lõi “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người”, tỉnh chú trọng đổi mới quản lý giáo dục để hình thành cách dạy và học đáp ứng các yêu cầu mới.

Ngọc Ngữ

Chia sẻ bài viết