01/07/2015 - 13:20

Bước chuyển ở thị trấn vùng biển

Từ một làng biển nằm cạnh sông Soài Rạp năm xưa, Vàm Láng nay đã từng bước phát triển thành thị trấn vùng biển. Việc thành lập và xây dựng thị trấn (TT) Vàm Láng là tiền đề để khai thác tiềm năng về đánh bắt, chế biến thủy hải sản cùng những dịch vụ thương mại liên quan đến nghề cá ở địa phương nói riêng và khu vực phía đông của tỉnh nói chung.

Là một làng biển có từ rất lâu đời, Vàm Láng đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại lý thú gắn liền với sự ra đời của tên ấp, tên làng. Địa danh "Vàm Láng" - những cư dân cố cựu đất Gò Công lý giải như sau: Phía ngoài con rạch Cần Lộc đổ ra sông lớn Soài Rạp thông ra biển có một phần nước rộng và sâu gọi là vàm, cách họng vàm không xa có một hà lãng (chỗ nước rộng mênh mông) với nhiều rừng cây dày đặc hai bên bờ nên có nhiều nai đến uống nước (vì thế hồi xưa chỗ này còn gọi "láng lộc"). Vì vàm ở gần "láng lộc" nên dân địa phương gọi tắt "Vàm Láng".

Vàm Láng bây giờ đang chuyển mình với dáng dấp một thị trấn vùng biển với hệ thống đường sá được xây dựng, nâng cấp khang trang. Từ một làng biển truyền thống, đến nay, Vàm Láng ngày càng trở nên phát triển với vóc dáng một đô thị vùng biển qua những dãy phố san sát; những cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế hải sản, kinh doanh ăn uống… Dọc theo hai bên tuyến đường chính dẫn vào thị trấn được xây dựng với hệ thống thoát nước hai bên là những ngôi nhà tường rộng lớn của nhiều thế hệ cư dân vùng biển chịu thương chịu khó bám biển bao đời nay. Với hơn với hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nghề biển góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người hằng năm của Vàm Láng đều tăng, thu nhập bình quân đầu người trong ba năm gần đây đạt từ 23 triệu đồng/người trở lên.

Một góc cảng cá Vàm Láng.

Điểm nhấn chính của thị trấn vùng biển này là cảng cá Vàm Láng nằm cạnh sông Soài Rạp với hàng trăm phương tiện tàu, ghe ra vào hằng ngày để tập kết thủy sản, chở nguyên liệu, tu sửa máy móc chờ chuyến đi biển kế tiếp. Cảng cá Vàm Láng từ lâu đã được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất của khu vực Gò Công nói riêng và của cả tỉnh nói chung với số lượng cung cấp vài chục ngàn tấn cá, tôm, mực, ghẹ mỗi năm. Đến cảng cá Vàm Láng vào đúng dịp ghe, tàu cặp bến sau chuyến đi biển, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tất bật của bà con khi vận chuyển, thu mua hải sản. Những cần xé đựng đầy các loại hải sản vun đầy được ướp đá tươi rói như: ruốc, mực, tôm, ghẹ, cá các loại… được ngư dân kéo từ dưới khoang lên bờ xếp dài chờ thương lái thu mua. Sau khi được phân loại, phần lớn các loại hải sản được xếp vào thùng xốp, lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ; còn ruốc (tép biển nhỏ) được chủ vựa mang về sân phơi. Theo chị Lan (ấp Đôi Ma 1), mỗi ngày chị ra cảng lựa cá, tôm trong ruốc cho chủ vựa cũng kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, cùng với thu nhập của người chồng đi "bạn" cho một sở đáy sông cầu (gần 3 triệu đồng/tháng) cũng đủ sống.

Theo thống kê, toàn xã hiện hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong xã là gần 500 tàu (chiếm 70% số lượng tàu cá của huyện) được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hằng năm mang về đất liền hơn 20 ngàn tấn hải sản các loại. Trên địa bàn thị trấn đã hình thành các cơ sở sơ chế hải sản, chủ lực vẫn là xẻ khô, làm mắm, làm ruốc, sơ chế ghẹ, sơ chế tôm, cua, sơ chế thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Theo thống kê, toàn thị trấn có hơn 120 cơ sở chế biến thủy hải sản, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nữ ở Vàm Láng còn có việc làm là sơ chế hải sản (bóc vỏ tôm, rút ruột bạch tuộc…) ở những điểm thu mua, chế biến cua, ghẹ, cá trong xã, có thu nhập tương đối ổn định. Đặc biệt là làng chế biến cá khô truyền thống (chủ yếu tập trung ở khu phố Chợ 1 và khu phố Chợ 2, TT. Vàm Láng) với số hộ tham gia có quy mô vừa và nhỏ chiếm 38% trên tổng số hộ dân trong khu vực làm nghề chế biến thủy sản (1.338 hộ), đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, đặc biệt là lao động nữ. Làng nghề chế biến cá khô mỗi năm sử dụng khoảng 5.000 tấn cá các loại, trị giá trên 50 tỉ đồng, cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô các loại như khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá đù,…

Anh Lê Văn Danh chủ cơ sở sản xuất cá khô khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng cho biết: Các khâu: rửa, cắt ruột, đánh vảy thì 1.000 đồng/kg, phơi thì 3.000 đồng/vỉ, thu nhập bình quân từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày có khi 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán đi ở thị trường TP Hồ Chí Minh, TP Mỹ Tho; vào mùa còn có các thương lái từ tỉnh Vĩnh Long, Long An,… cũng đến thu mua. Được biết, làng nghề chế biến thủy sản Vàm Láng (trong đó có nghề cá khô) được công nhận vào tháng 8 – 2013 là tín hiệu vui giúp người dân ở đây có điều kiện được đầu tư để phát triển nghề truyền thống, tăng thu nhập gia đình. Ngoài ra, hoạt động đánh bắt, chế biến thủy hải sản ở Vàm Láng là điều kiện để hoạt động các dịch vụ nghề cá (sửa chữa tàu, ghe, cung cấp dầu, nước đá) cũng như hoạt động thương mại dịch vụ ở đây phát triển, góp phần giải quyết hàng ngàn lao động địa phương và ở nơi khác đến. Làng nghề đóng tàu biển ở Vàm Láng cũng phát triển mạnh theo nghề cá. Nhiều cơ sở đóng ghe cào trên sông Soài Rạp nổi tiếng bởi thợ có tay nghề. Hàng trăm ghe cào loại lớn của ngư dân cửa biển sông Soài Rạp được đóng mới ở đây.

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Gò Công Đông, do đặc thù của địa phương nên thị trấn Vàm Láng được quy hoạch theo hướng đô thị ven biển phát triển theo hướng đô thị hóa; khu dân cư mới kết hợp khu dân cư hiện hữu từng bước hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại V. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thị trấn Vàm Láng dự kiến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị, nâng cấp mở rộng các hẻm thuộc ấp Chợ và ấp Lăng; xây dựng mới các tuyến trục phía Bắc tỉnh lộ 871 hướng về phía biển để tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái; hoàn chỉnh các trục đường phố đô thị, đồng thời cải tạo bến xe Vàm Láng, các bến đò phục vụ cho giao thông và nâng cấp cảng cá Vàm Láng đạt công suất thiết kế 330 CV… Trên cơ sở thực hiện quy hoạch chung, chính quyền thị trấn Vàm Láng sẽ tiếp tục triển khai nhiều công trình lớn về giao thông, thoát nước, khu dân cư đô thị, hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, chất lượng đô thị để phát triển bền vững, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng biển và ven biển; khai thác có hiệu quả hết tiềm năng về nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Về Vàm Láng hôm nay để thấy được sự chuyển mình của một đô thị vùng biển nằm ở cuối dòng Soài Rạp đổ ra biển lớn, một vùng đất có những cư dân tuy nhỏ bé nhưng kiên cường chinh phục biển cả trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên. Chiều về trên cảng Vàm Láng nhộn nhịp, đông vui bởi cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập; đêm xuống thị trấn rực ánh đèn như niềm tin vào một tương lai tươi sáng!

Bài, ảnh: PHÙNG LONG

Chia sẻ bài viết