25/02/2013 - 21:17

NGÀNH NÔNG NGHIỆP TP CẦN THƠ

Bước chuyển đổi về chất

Các giống lúa chất lượng cao chiếm hơn 80% diện tích canh tác lúa của TP Cần Thơ.

Với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn, toàn diện theo hướng hiện đại, TP Cần Thơ đã xây dựng đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020”. Theo đó, thành phố đã và đang triển khai các chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chất lượng đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân.

* Bước chuyển nông nghiệp đô thị

 Kể từ khi trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, diện tích đất nông nghiệp của TP Cần Thơ giảm dần. Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng thay đổi theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn với chi phí thấp nhằm cải thiện thu nhập của người dân. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhờ đầu tư về đê bao, thủy lợi cộng với việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất mà các loại nông sản hàng hóa chính của thành phố như lúa, cá tra, rau màu, cây ăn quả đều có sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ năm 2004 đến nay, giá thành sản xuất lúa của các nông hộ ở TP Cần Thơ giảm dần, góp phần tăng tỷ lệ lãi tối thiểu từ 30% trở lên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, kể từ năm 2010, TP Cần Thơ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở chuyển tiếp, kế thừa mô hình cánh đồng một loại giống đã triển khai từ năm 2005. Đến năm 2012, diện tích cánh đồng mẫu lớn đã nâng lên trên 10.000ha và được các doanh nghiệp vào bao tiêu để phát huy mối liên kết “4 nhà”. Đối với rau màu, TP Cần Thơ đã quy hoạch vành đai xanh, vành đai thực phẩm sản xuất theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường tại các quận ven đô nhằm cung ứng cho nhu cầu tại chỗ và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp đang vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vườn cây ăn trái chất lượng cao tại các quận, huyện Phong Điền, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt kết hợp du lịch sinh thái.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đặt ra yêu cầu phát triển trong khuôn khổ đô thị hóa, không mở rộng tràn lan mà chỉ đảm bảo giữ vững tổng đàn gia súc, gia cầm để cơ bản đáp ứng nhu cầu địa phương. Đồng thời, ngành vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tốt, tổ chức giết mổ tập trung. Hiện nay, hơn 90% sản lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố được giết mổ tập trung và có kiểm soát thú y chặt chẽ. Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi cá đồng tiếp tục phát triển, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Riêng nghề nuôi cá tra của các nông hộ liên tiếp gặp khó khăn trong những năm gần đây, song diện tích hàng năm vẫn duy trì ổn định khoảng 1.000ha, sản lượng 160.000-200.000 tấn/năm, góp phần cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn.

* Cần đầu tư tương xứng

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và các quận, huyện, do điều kiện đất đai canh tác nhỏ lẻ, nhu cầu đời sống cao nên nông dân luôn tìm mọi cách để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Vì thế, tình trạng nông dân không tuân thủ các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chạy theo sản lượng thay vì chất lượng vẫn còn diễn ra, gây không ít khó khăn cho công tác khuyến nông. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho rằng: “Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp đô thị, trước hết UBND quận dựa vào quy hoạch của thành phố để quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Mục tiêu là giữ vững diện tích đất nông nghiệp và quy hoạch cụ thể diện tích lúa, rau màu và vườn cây ăn trái. Về lâu dài quận sẽ tranh thủ các nguồn lực của thành phố để đầu tư đê bao khép kín tất cả các diện tích trồng rau màu và lúa, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông nhằm hướng dẫn nông dân áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp người dân thấy được những hiệu quả mang lại của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm hơn đến các chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”.

Là một huyện thuần nông với thế mạnh về cây ăn trái, huyện Phong Điền đang phấn đấu trở thành huyện đô thị sinh thái. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Thời gian qua, huyện đã phát huy các loại hình kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp đô thị. Ngoài khai thác các thế mạnh hiện có về nông nghiệp, huyện đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư để phát triển vườn cây trái tập trung, chuyên canh, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch vườn”. Theo ông Thắng, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài việc lựa chọn phát triển các mô hình kinh tế phù hợp thì địa phương đang nỗ lực tập huấn thực hiện các dự án du lịch sinh thái cộng đồng nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động, quản lý loại hình du lịch cộng đồng cho cán bộ quản lý và các hộ dân.

Hiện nay, TP Cần Thơ đã quy hoạch 3 khu nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Theo Sở NN&PTNT thành phố, Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 - xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai đang tạm dừng triển khai thực hiện do ảnh hưởng Nghị quyết 11. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là đối với Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 - xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ và Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 - xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, đã được Bộ NN&PTNT chấp thuận đưa vào Danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2012-2015. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã cơ bản thống nhất chọn TP Cần Thơ để xây dựng trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL và đang được xúc tiến hoàn thiện Quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt.

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, TP Cần Thơ xác định cần hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định để giải quyết đầu ra, ổn định thu nhập cho nông dân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Nếu xây dựng được vùng sản xuất lớn, chuyên canh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản lượng mà việc tiêu thụ không ổn định, thì có khả năng các vùng sản xuất này sẽ bị mai một, không còn tồn tại nữa. Do đó, thành phố đang gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế nông nghiệp. Song song với việc đầu tư cho các huyện thuần nông, các xã nông thôn mới, thành phố sẽ tập trung vào tổ chức liên kết sản xuất “4 nhà”, chú trọng áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước để thu hút DN quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để giải quyết đầu ra, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết