27/11/2008 - 22:31

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Cần Thơ khóa VII

Bức xúc vấn đề quy hoạch, môi trường, các chính sách "tam nông"

Ngày họp hôm qua của Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Cần Thơ khóa VII đã diễn ra sôi nổi với phần chất vấn của đại biểu HĐND và trả lời chất vấn của lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan. Làm như thế nào để tiêu thụ lượng lúa của nông dân đang bị tồn đọng, cách xứ lý các dự án quy hoạch “hành dân”, rắc rối về thủ tục hộ khẩu, ô nhiễm môi trường… là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu HĐND và cử tri quan tâm tại phiên chất vấn...

Mở đầu phiên chất vấn, ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế, trả lời những bức xúc của cử tri xung quanh việc xử lý chất thải ở các bệnh viện (BV) hiện nay. Theo ông Dũng, trong các đơn vị thuộc quản lý của ngành y tế Cần Thơ hiện chỉ có 4 BV có hệ thống xử lý chất thải lỏng là BV Đa khoa thành phố, BV Nhi đồng, BV Da liễu và BV Đa khoa quận Ô Môn. Hai đơn vị đang triển khai thi công hệ thống này là BV Tai – Mũi họng và BV Mắt – Răng hàm mặt. Ông Dũng đề nghị HĐND và UBND thành phố đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng ở các BV còn lại đúng theo quy định của các Bộ liên quan lĩnh vực này, đồng thời, sớm thành lập công ty xử lý chất thải rắn để thu gom toàn bộ chất thải rắn y tế, công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Xung quanh việc chậm thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về đầu tư mua các máy phát điện, nội soi, máy chạy thận nhân tạo... cho BV Đa khoa thành phố, ông Dũng nêu nguyên nhân là do chủ đầu tư không có năng lực, thuê nhầm tư vấn yếu; việc thực hiện các thủ tục như lập dự án, phê duyệt, đấu thầu chậm. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý của ngành.

Đại biểu Mai Văn Nam phát biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

Tình hình các công trình giao thông thi công kéo dài, như đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc, cầu trên đường tỉnh 923, 921, 920b tiếp tục được nêu lên tại kỳ họp. Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vật tải (GTVT) Lê Tấn Học, các công trình này thi công chậm là do vướng khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư, tình trạng biến động giá, có dự án phải thay đổi thiết kế... Ông Học hứa: Ngoài trừ 3 cầu Ngã Tư, Khoan Ốc và Kênh Mới (đường tỉnh 921), đã cắt hợp đồng với nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại, 7 cầu còn lại trên đường tỉnh 923 và 19 cầu trên đường tỉnh 921 sẽ hoàn thành trong năm 2009. Riêng công trình đường tỉnh 920b dự kiến sẽ thi công vào tháng 1-2009.

Phần trả lời chất vấn của ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng (XD) kéo dài gần 60 phút. Hai đồ án quy hoạch (QH) được cử tri quan tâm, chất vấn từ kỳ họp cuối năm 2007 là QH chi tiết cồn Cái Khế và QH chi tiết hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài. Hai đồ án này có hàng chục dự án QH triển khai thực hiện rất chậm, các quyền về sử dụng đất của người dân bị hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở XD cho biết đến thời điểm này, QH chi tiết Cồn Cái Khế đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh; còn QH chi tiết hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đang trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh. Ông Lê Hồng Phát thừa nhận: “Việc thực hiện điều chỉnh hai QH này chậm làm người dân bức xúc, xin nhận thiếu sót trước bà con cử tri”. Đối với vấn đề quyền lợi của người dân trong vùng QH, ông Lê Hồng Phát cho biết Sở XD và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng QH. Tuy nhiên, do các xã, phường còn lúng túng trong thực hiện văn bản hướng dẫn này cũng như chỉ thị của UBND thành phố, nhiều khi gây khó khăn, hạn chế các quyền lợi người dân.

Cũng theo ông Phát, nhu cầu tái định cư (TĐC) cho 15.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong 116 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị của thành phố là hoàn toàn có thể đáp ứng, vì hiện nay thành phố đã quy hoạch 44 dự án TĐC có thể đáp ứng tới 21.000 lô nền. Nhưng khi đại biểu Mai Văn Nam đặt vấn đề: “Hiện nay, có nhiều hộ dân phải sống tạm cư, một số dự án do không có nơi TĐC dẫn đến không giải phóng mặt bằng được,... ai chịu trách nhiệm?”, Giám đốc Sở XD cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư; vì theo quy định chủ đầu tư phải lo giải phóng mặt bằng, TĐC, quản lý dự án...

Đại biểu Ong Đức Phát chất vấn: “Ở các nước trên thế giới, QH có tầm nhìn 20 -30 năm, thậm chí nhiều hơn, mà không điều chỉnh; QH công bố nhưng các quyền sử dụng đất của người dân vẫn được đảm bảo; còn ở ta QH chưa được bao lâu đã thực hiện điều chỉnh, phải chăng tầm nhìn, năng lực QH của ngành chức năng còn hạn chế? Ngành chức năng làm gì để hạn chế QH “treo”, dự án “treo”?”. Ông Lê Hồng Phát cho biết, QH của thành phố phải điều chỉnh là do trong quá trình phát triển phát sinh thêm dự án mới, có những điểm không còn phù hợp. Để hạn chế QH “treo”, dự án “treo” thời gian tới, bên cạnh việc điều chỉnh các QH không còn phù hợp, Sở XD sẽ không tham mưu, trình UBND thành phố phê duyệt QH chi tiết khi chưa xác định được chủ đầu tư; đồng thời, tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư trước khi giao dự án. Trước việc ông Lê Hồng Phát cho rằng các QH trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng với quy định của pháp luật, đại biểu Mai Văn Nam khẳng định: “Tôi có bằng chứng một số dự án QH ở cồn Cái Khế thực hiện không đúng quy định của pháp luật”. Đại biểu Mai Văn Nam đề nghị sau kỳ họp, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố cùng Sở XD tiếp tục họp để giải quyết dứt điểm vấn đề nhiều cử tri quan tâm về QH. Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, chủ tọa kỳ họp, yêu cầu Sở XD xin ý kiến UBND thành phố tổ chức cuộc họp để làm rõ các vấn đề còn gút mắc, giải quyết bức xúc của cử tri.

Xung quanh “lý do thành phố không thực hiện đúng các QH, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt”, ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng TP Cần Thơ thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương trước năm 2010, việc một số dự án, công trình phát sinh ngoài QH, kế hoạch sử dụng đất là tất yếu, nhưng phù hợp với QH chung xây dựng. Ông Diện cho biết: “Năm 2009, khi tiến hành lập QH sử dụng đất cấp thành phố giai đoạn 2010-2020 các dự án công trình phát sinh ngoài QH sử dụng đất tổng thể của thành phố hiện nay sẽ được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp”.

Những kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” được ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương và ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ. Chia sẻ những khó khăn của nông dân do lúa không tiêu thụ được, ông Minh cho biết, vừa qua Sở Công thương đã tham mưu cho UBND thành phố báo cáo số lượng lúa, gạo tồn đọng trong nhân dân và doanh nghiệp đến Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời kiến nghị hướng giải quyết. Trong đó, có nhiều kiến nghị đã được Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo thực hiện, như: chỉ đạo các ngân hàng thương mại gia hạn nợ cũ, tiếp tục cho vay mới đối với các hộ trồng lúa để có vốn duy trì sản xuất, các doanh nghiệp được giao thu mua lúa gạo được vay vốn với lãi suất hợp lý để tiếp tục thu mua lúa gạo trong nhân dân... Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay TP Cần Thơ đã triển khai cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức thu mua 40 ngàn tấn gạo, tương đương với 80 ngàn tấn lúa, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngoài thành phố vào thu mua lúa của nông dân. Sở cũng đã có cuộc họp với các ngành và Ngân hàng nhà nước về việc cho nông dân vay tái sản xuất. Tại phiên chất vấn này, ông Minh cũng đã giải thích nguyên nhân việc chậm bàn giao các Tổ điện và Hợp tác xã điện cho ngành điện quản lý và những giải pháp chống đầu cơ tăng giá, chuẩn bị các nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân từ nay đến Tết Nguyên đán 2009. Đối với việc người nông dân thiếu lúa giống để sản xuất, buộc phải mua giống trôi nổi, không bảo đảm chất lượng và giá cả, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: Thời gian qua, ngành đã nỗ lực phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ để lai tạo ra những giống có phẩm chất hàng hóa cao. Tuy nhiên, do việc xây dựng hệ thống giống 3 cấp trong dân chưa hoàn thiện, đặc biệt việc tổ chức điều hòa chủng loại giống, tồn trữ bảo quản giống để lưu vụ chưa thực hiện tốt, Sở đang từng bước chấn chỉnh. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên yêu cầu ngành tập trung QH các khu nông nghiệp công nghệ cao và công khai điều chỉnh QH cho bà con được biết. Đề nghị Sở phối hợp chặt chẽ với các Viện, trường để QH cụ thể về giống và hướng dẫn cho bà con thực hiện. UBND thành phố cần chỉ đạo cho các ngành liên quan đầu tư thỏa đáng hơn nữa cho nông nghiệp nông thôn.

Mặc dù không nằm trong danh sách trả lời chất vấn, nhưng trước nhu cầu bức thiết của cử tri, Giám đốc công an thành phố Hà Nghĩa Lộ đã “đăng đàn” để trả lời về các vấn đề thuộc chức năng của ngành. Về vấn đề hộ khẩu, ông Lộ cho biết sau khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, đến nay ngành công an đã tổ chức triển khai thực hiện việc cấp hộ khẩu đại trà cho các hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay toàn thành phố còn khoảng 4.000 hộ với trên 15.000 nhân khẩu chưa được cấp hộ khẩu. Các hộ này nằm trong diện không cấp được hộ khẩu, chủ yếu là chiếm hành lang lộ giới, hành lang an toàn lưới điện, đang tranh chấp hoặc nằm trong các dự án QH đã có thông báo di dời. Ông Lộ cho biết: “Công an đang tiến hành phân loại các trường hợp này, trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ đề xuất xin chủ trương của UBND thành phố để xem xét cấp hộ khẩu cho nhân dân”. Ông Lộ cũng cam kết sẽ tăng cường các giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trong các ngày lễ, Tết, nhất là vào dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán.

NHÓM PHÓNG VIÊN CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết