31/12/2010 - 08:26

Bội chi ngân sách giảm 0,4% GDP trong năm 2010

Năm 2010, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 6,78%, cao hơn mục tiêu đặt ra, xuất nhập khẩu vượt mức kế hoạch, nhập siêu bước đầu được cải thiện...

Theo Bộ Tài chính, mặc dù bước năm 2010, tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn, nhưng toàn ngành đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, nhưng thận trọng nhằm khắc phục ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trong năm 2009 như miễn, giảm, giãn thuế đã dừng thực hiện; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh hoạt, giảm áp lực tăng giá tiêu dùng trong nước, như tăng thuế đối với các nhóm mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu; giảm thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã phối hợp thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, huy động vay của Chính phủ trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi và gia tăng áp lực cho thị trường.

Theo đó, ước tính thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm đạt khoảng 66.600 tỉ đồng vượt vượt 14,4% so với dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009, trong đó thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất) ước là 64% tổng thu NSNN, (vượt 8,6% so dự toán).

Tuy nhiên, chi NSNN cho an sinh xã hội ước khoảng 72.120 tỉ đồng, tăng gần 5% so với năm 2009. NSNN đã chi cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trong năm 2010 khoảng 5.400 tỉ đồng. Ngoài ra, đã xuất dự trữ quốc gia cấp không thu tiền trên 81,4 nghìn tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng thiếu đói giáp hạt và bị thiệt hại do thiên tai...

Đối với giải ngân vốn đầu tư XDCB ước thực hiện cả năm đạt khoảng 92 - 95% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 100% dự toán.

Bộ Tài chính cũng cho hay, bội chi ngân sách năm 2010 dự kiến giảm 0,4%GDP xuống còn 5,8%GDP (dự toán là 6,2%GDP). Hiện nay, yêu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát triển kinh tế là rất lớn, đồng thời phải thực hiện “giải quyết công bằng xã hội trong từng bước phát triển” theo Nghị quyết của Đảng, nên chưa thể giảm nhanh bội chi. Tuy nhiên, để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính nhấn mạnh: sẽ giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách để trung bình giai đoạn 2011-2015 bội chi ở mức dưới 5%GDP.

Đối với vấn đề nợ công, tính đến hết 31-12-2010, dư nợ Chính phủ bằng 44,3%GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2%GDP và dư nợ công bằng 56,6%GDP. Tuy nhiên, xét về cơ cấu, tỷ trọng huy động vay nợ trong nước ngày càng tăng, vay nợ nước ngoài giảm; các khoản vay nước ngoài của Chính phủ phần lớn đều có thời hạn dài, lãi suất ưu đãi, việc bố trí thanh toán nợ hàng năm đều bảo đảm đầy đủ, đúng hạn, không có nợ xấu.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Chiến lược Nợ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có dự kiến những thay đổi cơ cấu nợ trong tương lai, đặc biệt khi nước ta đã ra khỏi nhóm nước nghèo, duy trì dư nợ hợp lý, sử dụng vay nợ hiệu quả, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

THÙY DƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết