05/06/2018 - 22:43

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV:

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn 

(TTXVN)- Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 5-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Vấn đề xử lý rác thải rắn; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đất đai tránh tình trạng hoang hóa, gây lãng phí ngân sách… là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chưa có công nghệ xử lý rác thải phù hợp với Việt Nam

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), khoảng trên 70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đa số là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ: Mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải, tăng bình quân 9%/năm; trong khi đó việc quản lý nhà máy, doanh nghiệp xử lý rác thải chưa hiệu quả. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ về quản lý nhà nước trong xử lý chất thải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: là Bộ trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề môi trường, đặc biệt là chất thải rắn. Bộ có trách nhiệm tham mưu để ban hành chiến lược quy hoạch, kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiến hành thanh tra, kiểm tra. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong quản lý hạ tầng, phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý. Theo Bộ trưởng, một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể đáp ứng được, không đủ năng lực mà cần cơ chế phối hợp; trong đó có những việc phân cấp cho địa phương. “Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp, bởi vì trong suốt thời gian qua, rác thải Việt Nam hoàn toàn khác rác thải thế giới”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo đó, nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, công nghệ ở Việt Nam đang thí điểm và cũng chưa có công nghệ nào đáp ứng được yêu cầu trong vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, 3 Bộ tập trung để trong thời gian sớm nhất ra được các mô hình công nghệ.

Rà soát, kiểm tra việc chuyển nhượng đất đai

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), cử tri Hà Nội có ý kiến, sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án, nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai, hoặc triển khai kém hiệu quả gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013, nguyên nhân là do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý. Hiện Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi, và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó, thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện. “Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng, thu hồi dự án treo ra sao”, Bộ trưởng nêu.

Ngoài ra, Luật Đất đai cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc. “Đây là vấn đề pháp lý, phải xem xét sửa luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, Bộ trưởng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường khi không làm tốt công tác dự báo.

Theo đó, quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư... Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai.

m Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp một số chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên đào tạo nghề.

Hướng tới đào tạo nghề theo đặt hàng

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu chất vấn: Trong báo cáo kinh tế- xã hội cũng như phát biểu của Bộ trưởng tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 26-5 đã đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cần ưu tiên trong quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thời gian tới?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực hiện còn thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân để năng suất lao động thấp. “Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%; công nghiệp trên 33,34%. Trong khi đó, chuyển dịch lao động của chúng ta còn chậm, đến năm 2017 có 40,7% là lao động nông nghiệp. Đến hết tháng 4-2018, con số này là 38,6%. Lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp vào GDP chỉ là 15,34%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cho rằng, cơ cấu đào tạo hiện nay còn bất hợp lý. Quan trọng hơn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với kỹ năng và các điều kiện đảm bảo cho người lao động một môi trường làm việc có thu nhập, an toàn, mạng lưới an sinh. Thời gian tới, việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động là quan trọng, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, những vấn đề cần quan tâm là: quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, làm động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng với Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 phù hợp với yêu cầu trong Đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn. Trong đó, chuyển hẳn sang hướng mới là kết nối doanh nghiệp; doanh nghiệp và nhà trường đồng hành. Đây là chủ trương nhiều quốc gia đã thực hiện thành công, đặc biệt là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản... Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thí điểm việc 10 trường liên kết với 15 Tập đoàn trong việc đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, giải quyết điểm còn yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua.

Bảo đảm quyền lợi của trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thực tế hiện nay, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có nhiều khó khăn, không được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế về quyền của trẻ em, ví dụ như quyền được vui chơi, giải trí và các điều kiện học hành. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các địa phương có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về một số giải pháp: Cần chuẩn hóa về đầu tư xây dựng trường học cho các vùng khó khăn với việc trường học phải đa chức năng: vừa làm chức năng vui chơi, giải trí miễn phí cho các em ở các vùng này. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng, miễn phí về sữa học đường; cung cấp đồ ấm cho trẻ em, bảo đảm đủ ấm vào mùa đông.

 Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có hạn chế trong việc bảo vệ, chăm sóc đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đối với miền núi trong đó có trẻ em. Tuy nhiên mức độ thụ hưởng của các em còn hạn chế, trừ trường hợp các em vào trường dân tộc nội trú, các chế độ thụ hưởng được đảm bảo.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Ủy ban Dân tộc miền núi để kiểm tra đôn đốc, giám sát việc này nhưng kết quả chưa được như mong muốn; đặc biệt Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 chưa được cụ thể hóa. Bộ sẽ cụ thể hóa các nội dung đại biểu nêu ngay vào đầu tháng 7 và mong đại biểu giám sát việc này.

Chia sẻ bài viết