29/03/2008 - 11:36

Lần đầu tiên tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Phấn đấu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng không cao hơn mức tăng năm 2007”

* Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát: “Đang đề nghị Chính phủ cho lập bổ sung dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2”
* Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: “Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho TAND tối cao trong sử dụng nhân lực”

Sáng 28-3, lần đầu tiên phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Mở đầu phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri đang quan tâm: Giá cả tăng cao, quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa... Hoạt động chất vấn này nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội. Trong thời gian một ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn đầu tiên. Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng tập trung vào 2 nội dung chính: Nguyên nhân giá cả thị trường tăng cao và các giải pháp kiềm chế lạm phát; Giải pháp vĩ mô trong công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết có 2 nguyên nhân dẫn tới giá cả thị trường tăng cao: Từ thị trường quốc tế và nguyên nhân trong nước. Bộ trưởng nhấn mạnh tới nguyên nhân nội tại sâu xa là trình độ phát triển, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao; thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của nhân dân; nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng cao, đặc biệt trong dịp Tết; dòng vốn nước ngoài qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA, kiều hối, du lịch... tiếp tục chuyển vào nhiều là cơ hội để phát triển đất nước, nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế chưa tốt làm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng giá cả; thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng - nhất là ở các đô thị lớn, thị trường vàng giá tăng cao; Nhà nước chủ động thực hiện lộ trình giá thị trường để thực hiện xóa bao cấp bù giá, từng bước xóa bù lỗ cho một số hàng hóa dịch vụ như: xăng dầu, than, vận tải hành khách đường không.....

Về các giải pháp kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: Mục tiêu ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện nay là kiểm soát lạm phát; phấn đấu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng không cao hơn mức tăng năm 2007; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị xã hội; duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Bộ trưởng cho biết: Từ nay đến hết tháng 6-2008 chưa điều chỉnh giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá.

Giải trình ý kiến của nhiều đại biểu về việc có sai lầm hay không trong điều hành chính sách tiền tệ, khiến lạm phát tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói: “Kết thúc hoạt động năm 2007 Thủ tướng phê bình Ngân hàng Nhà nước rất thẳng thắn. Cụ thể khiếm khuyết chủ quan của ngành ngân hàng là nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, hiệu quả hơn, thì tốc độ tăng giá tiêu dùng không cao như thời gian qua”. Ông Nguyễn Văn Giàu thừa nhận: “Lạm phát tăng cao có trách nhiệm của việc điều hành chính sách tiền tệ”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) nêu vấn đề: “Bộ trưởng có ý kiến gì về việc Kho bạc Nhà nước gửi 52.000 tỉ đồng vào các ngân hàng thương mại đã góp phần làm cho lạm phát tăng ?”. Ông Vũ Văn Ninh khẳng định: “Không thể nói việc này gây nên lạm phát, bởi từ khi thành lập kho bạc đến nay đều làm như vậy. Đây là khoản kinh phí để đảm bảo cho chi ngân sách thường xuyên. Theo luật định, ở đâu có chi nhánh của ngân hàng Nhà nước thì kho bạc đều phải gửi khoản tiền này vào, nhưng ở cấp huyện không có Chi nhánh ngân hàng Nhà nước, nên kho bạc phải gửi ngân hàng thương mại. Đây là việc làm phù hợp chứ không có sai phạm. Điều cần bàn là kiểm tra xem ở đâu có Chi nhánh ngân hành Nhà nước mà lại gửi vào ngân hàng thương mại thì phải kiểm tra, xử lý”.

Đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Thời gian qua nhiều mặt hàng thiết yếu bị “làm giá”, vậy Chính phủ đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: Năm 2007, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương điều tra 440 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Qua kiểm tra đã lập biên bản xử lý một số trường hợp lên giá không hợp lý, còn các trường hợp khác đều có cam kết không được lên giá. Đầu năm 2008, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra các tổng công ty lớn sản xuất các mặt hàng quan trọng tác động thiết yếu tới sản xuất và đời sống. Trong chỉ đạo của Thủ tướng có yêu cầu UBND các địa phương trên địa bàn mình tổ chức công tác kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Bộ Tài chính đã chỉ đạo hệ thống thuế, phối hợp với UBND các địa phương giải quyết việc này. Hiện nay đang triển khai thực hiện, khi nào có kết quả sẽ báo cáo với Quốc hội.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát, có những chính sách phù hợp, kịp thời trong việc kiềm chế lạm pháp, góp phần ổn định đời sống của nhân dân.

* Tại buổi chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát, các đại biểu không chỉ quan tâm đến tình hình giá nông sản tăng cao; quá trình thực hiện dự án giao thông, thủy lợi Ô Môn- Xà No kéo dài mà nhiều lĩnh vực khác như: Thiên tai, bão lụt, hạn hán, đời sống của nhân dân...điều đó khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của bà con nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Về nguyên nhân của dự án Ô Môn- Xà No (gồm 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ; Kiên Giang và Hậu Giang) kéo dài làm ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu và giao thông thủy, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang đề nghị Chính phủ cho lập bổ sung dự án phát triển thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2, bao gồm việc xây dựng các cống tại các đầu kênh còn bỏ ngỏ và nạo vét các kênh cấp 2 bị bồi lắng. Bên cạnh đó, tác động của dự án đến môi trường và giao thông thủy phụ thuộc rất nhiều vào quy trình vận hành. Vì vậy, các địa phương cần tiếp nhận và tổ chức bộ máy quản lý thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, đồng thời vận động nhân dân trong vùng dự án thay đổi những tập quán sinh hoạt lạc hậu không có lợi cho môi trường như xả rác, chất thải....xuống kênh, rạch, đồng ruộng.

Về tình hình giá cả vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao và biện pháp khắc phục, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giải pháp đặc biệt quan trọng là phải tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào; đồng thời cần điều chỉnh quy mô, phương thức sản xuất và xử lý tốt quan hệ cung- cầu về vật tư trên thị trường. Bộ cũng đang tập trung chỉ đạo các địa phương và nông dân tập trung khôi phục nhanh tư liệu sản xuất; hỗ trợ cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về giống; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác dự báo thị trường vật tư, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hệ thống nhập khẩu bảo đảm đủ nguồn cung ứng kịp thời cho vụ sản xuất.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Danh Út (Kiên Giang) và Lê Văn Tâm (Cần Thơ) về tình hình giá cả vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao và hướng khắc phục, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân là do giá thị trường tăng cao, cùng với thiên tai, dịch bệnh nên tác động mọi chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất của người dân và để khắc phục được, vừa qua, Bộ đã có văn bản hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình tiết kiệm giống, phân bón, thuốc trừ sâu,…chấn chỉnh công tác tiêm phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hỗ trợ nông dân xử lý dịch bệnh đối với thủy sản nuôi trồng; đồng thời chỉ đạo các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước sử dụng tối đa công suất để tăng thêm nguồn cung ứng cho nông dân. Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ thường xuyên bám sát diễn biến cung-cầu và giá cả vật tư nông nghiệp trong và ngoài nước để chủ động chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp nhập khẩu, bảo đảm đủ nguồn cung ứng kịp thời vụ cho sản xuất…

Đại biểu Danh Út tiếp tục hỏi: “Cứ vào vụ thì giá phân bón lại tăng, vậy việc các công ty vật tư nông nghiệp mua đi bán lại kiếm lợi làm tăng giá đến nông dân? Vì sao vừa qua Chính phủ kiềm giá lương thực mà không có giải pháp kiềm giá phân bón và vật tư nông nghiệp? Vừa qua Chính phủ hỗ trợ giá xăng dầu, nhưng không đủ. 2 năm nay giá xăng dầu tăng 40%, trong khi giá thủy hải sản tăng 10%. Giải quyết vấn đề này thế nào?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích, theo cơ chế thị trường, tất cả vật tư nông nghiệp đều kinh doanh theo thị trường. Tất nhiên, Nhà nước có theo dõi sát sao để đảm bảo cung ứng kịp thời về số lượng, chất lượng và cũng không để sốt giá. Việc các công ty vật tư nông nghiệp bán sang tay làm tăng giá, đúng là có tình trạng vậy, thậm chí hàng chưa bốc lên bờ đã bán hàng chuyền tay nhau, nhưng trong cơ chế thị trường các doanh nghiệp có sự điều chỉnh giá nhưng không được phép độc quyền nên dù có bán trao tay vẫn phải có mức hợp lý. Đối với đời sống của các ngư dân, Bộ trưởng hứa, thời gian tới cần sử dụng nhiều biện pháp hơn và tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.

* Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII (UBTVQH) chiều 28-3, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tập trung vào hai vấn đề: Thực trạng trình độ, năng lực đội ngũ Thẩm phán tòa án nhân dân (TAND) các cấp và phương hướng, giải pháp của ngành Tòa án để giải quyết vấn đề này.

Trong báo cáo giải trình, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, đội ngũ thẩm phán tòa án các cấp hiện nay đang thiếu về số lượng, nhất là so với nhu cầu công tác xét xử. Trình độ năng lực và kinh nghiệm công tác vẫn hạn chế, bất cập trước yêu cầu của công tác xét xử, chống oan, sai, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, thực hiện cải cách tư pháp. Đến nay, ngành Tòa án còn thiếu thẩm phán tại tất cả các cấp xét xử. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc tạo nguồn thẩm phán không theo kịp yêu cầu biên chế, nhất là đối với một số địa phương có số lượng án lớn. Ngành TAND cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ do thu nhập thấp, áp lực công việc, tính rủi ro nghề nghiệp cao.

Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị Nhà nước giao quyền tự chủ cho TAND tối cao trong việc đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực; cải tiến đổi mới, chính sách chế độ tiền lương và các điều kiện làm việc khác cho cán bộ, thẩm phán ở mức khá. Ông Bình kiến nghị Quốc hội cho phép thành lập Tổng cục quản lý Tòa án trực thuộc TAND tối cao, có nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng ngành.

Đồng tình với thực trạng thiếu thẩm phán tại các địa phương như báo cáo của Chánh án TAND tối cao, tuy nhiên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu vấn đề: Việc điều chuyển cán bộ Tòa án khó khăn còn là do Chánh án TAND cấp tỉnh không có thẩm quyền trong việc này, dẫn đến bị động cho địa phương?

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết: TAND tối cao đã có chủ trương phân cấp cho TAND cấp tỉnh về ngân sách, kinh phí, xây dựng cơ bản và sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2009. Trong năm nay, TAND tối cao sẽ thực hiện phân cấp cả về mặt tổ chức đối với TAND cấp tỉnh, để chủ động luân chuyển cán bộ địa phương.

Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng chất vấn: Trong số thẩm phán có năng lực yếu kém (là những thẩm phán có số lượng vụ án phải sửa, hủy án khoảng 10%) thì TAND tối cao có thống kê giữa các cấp học vị hay không?

Chánh án trả lời: TAND tối cao sẽ thống kê học vị của số thẩm phán yếu kém để báo cáo sau. Tuy nhiên, không nên quan niệm rằng những bậc học khác nhau thì chất lượng xét xử khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trình độ thực tế, lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức của từng thẩm phán…

Tổng kết phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 7 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử QH, tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH. Hiệu quả ban đầu của phiên chất vấn góp phần giúp Chính phủ nhận rõ những vấn đề còn tồn tại, để lưu ý, khắc phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chuyên môn của Quốc hội tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị thật tốt cho kỳ họp Quốc hội tới.n

Quỳnh Hoa - LƯU THỊ THOAN – QUANG VŨ
(TTXVN)

Quỳnh Hoa - LƯU THỊ THOAN – QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết