04/06/2018 - 22:45

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn 

Sáng 4-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn. Thứ nhất về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Thứ hai về công tác quản lý đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ ba về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh. Thứ tư về vấn đề lao động và giải quyết việc làm; chất lượng dạy nghề; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.  Đây là những vấn đề lớn của đất nước, được nhân dân và cử tri quan tâm.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4-6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải đáp nhiều vấn đề đại biểu quan tâm về thất thoát trong một số dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), khoảng cách đặt trạm thu phí BOT không hợp lý, chênh lệch cốt nền nhà dân và hè đường…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Nhiều chất vấn về BOT

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt vấn đề về các dự án đầu tư vừa qua đều chỉ định thầu. Sau đó, nhà đầu tư được chỉ định thầu bán lại để hưởng chênh lệch và đề nghị Bộ trưởng lý giải. Cho biết cử tri nghi vấn có thất thoát lớn trong một số dự án BOT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về việc kiểm tra, xử lý của Chính phủ và giải pháp sắp tới.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin không dự án nào không tổ chức đấu thầu, không công khai trên website đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn một tháng theo quy định. Luật cho phép Bộ Giao thông Vận tải chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia.

Cho rằng Bộ đã làm đúng quy định của pháp luật về việc xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT (xây dựng – chuyển giao), BOT,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ thời gian qua, khi thực hiện các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán cho Bộ Giao thông Vận tải. Những dự án BOT khi triển khai, quy định về vị trí, mức thu đều được giám sát chặt chẽ.

Không đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra dẫn chứng kiểm toán 30 dự án BOT, kiến nghị xử lý 4.500 tỉ đồng, 17 dự án đầu tư theo hợp đồng BT trong năm 2017 hầu hết đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro, chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Một số dự án rất lớn, công trình giao thông đó chỉ phục vụ dự án bất động sản của nhà đầu tư (kinh doanh đổi đất lấy hạ tầng), do đó những con đường đó rất đắt. “Kiểm toán đã nêu rồi thì xin Bộ trưởng và Chính phủ cho biết chúng ta xử lý thế nào, chừng nào xử lý, vì dính tới hàng ngàn tỉ đồng của ngân sách, của xã hội và nhân dân”, đại biểu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) chất vấn “người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến. Vậy có công bằng?”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một dự án BOT chỉ bố trí 1 trạm thu phí. Về miễn giảm, đã thực hiện miễn giảm trạm T2 rất lớn, toàn bộ bà con sống trong khu vực được xem xét miễn giảm. Sau kỳ họp này Bộ sẽ giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả các phương án để đưa ra phương án hợp lý.

Trước đó, vào cuối buổi sáng, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã đặt vấn đề về việc cử tri phản ánh hằng năm phải đóng phí giao thông đường bộ, phí này để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường cũ nhưng đường cũ xuống cấp không đi được, đi đường nào người dân cũng phải trả phí, phí chồng lên phí.

Lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho thấy, doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ hưởng những chính sách theo quy định của Nhà nước, việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho toàn bộ hệ thống mạng đường quốc gia cũng như đường địa phương.

Trả lời chất vấn về một số công trình giao thông lớn hiện nay Bộ đang triển khai phải điều chỉnh giãn, hoãn tiến độ rất nhiều và tăng tổng mức đầu tư rất lớn, hàng ngàn tỉ đồng, Bộ trưởng đã giải đáp khá rõ về căn cứ pháp lý để tăng tổng mức đầu tư là do trượt giá và điều chỉnh quy mô, tầm nhìn của dự án cũng như trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải đối với việc này.

Về việc công khai thu phí BOT, trả lời đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Tư lệnh ngành giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm này, đã quyết toán cả 58 dự án BOT đang thu phí. Trong đó có 10 dự án quyết toán đồng bộ, 39 dự án còn lại quyết toán gần như toàn bộ, chỉ có 9 dự án tiếp thu được một phần. “Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để công khai, minh bạch chi phí đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc công khai thu phí hoàn toàn nằm trong tầm tay. Chúng tôi mong muốn cuối năm nay sẽ trang bị cho tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để người dân có thể giám sát một cách chặt chẽ. Trước mắt trên website của Bộ, người dân có thể truy cập để xem cụ thể về tình hình các trạm BOT trên địa bàn. “Khi liên kết với hệ thống thu phí tự động, toàn bộ các dữ liệu công khai, minh bạch, rõ ràng”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Công Đỉnh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Công Đỉnh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Bứt xúc phát triển ngành đường sắt

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ngành đường sắt Việt Nam gần như bị “bỏ rơi”. Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn vì có thể cắt nhỏ ra nhiều hợp đồng... còn đường sắt thì không những đầu tư lớn mà chúng ta phải làm tổng thể, cho nên đó là lý do chúng ta ít quan tâm đến đường sắt vì không mang lại lợi ích cho những “nhóm lợi ích”?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt cần đầu tư rất lớn. Các dự án có thể lên tới cả chục tỉ USD. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì thực hiện các dự án đường sắt, nhưng đáng tiếc trong thời gian vừa qua, chưa có dự án đường sắt làm mới nào được thông qua.

Về bình luận đầu tư đường bộ nhiều hơn vì có lợi ích nhóm, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân, là người làm giao thông rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt.  Bộ trưởng khẳng định đã đến lúc dự án đường sắt Bắc - Nam cần được thông qua. Không có tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ là hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế, xã hội.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Cần Nghị quyết đặc thù để quản lý đất tại đặc khu

 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật vốn đầu tư đã bố trí cho ngành giao thông

Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của người dân. Lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên cũng còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn. Rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu giao thông, quy hoạch giao thông, trong đó chú trọng hệ thống đường sắt quốc gia; khẩn trương nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ trung hạn đã bố trí cho ngành giao thông…

CHU THANH VÂN (TTXVN)

Đăng đàn trong phiên chất vấn chiều 4-6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhận được câu hỏi của các đại biểu về hiện tượng đầu cơ đất đai tại 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế; tình trạng quản lý đất đai yếu kém tại nhiều nơi… và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Trả lời chất vấn về thị trường đất đai ở các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.

Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, việc đưa ra nội dung trong Chỉ thị của các UBND về dừng chuyển nhượng đất đai tại một số địa phương là không phù hợp pháp luật hiện nay. Thay vào đó, ông đề nghị, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời điểm này, các địa phương cần xem lại hồ sơ đất đai để quản lý chặt, từ đó, tính toán đền bù đảm bảo công bằng, để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai như vừa qua.

Trả lời chất vấn về khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường trung bình mỗi năm nhận được từ 3- 4 nghìn đơn thư khiếu nại, tập trung vào ba nhóm vấn đề: Thứ nhất liên quan đến giá, công bằng hay không công bằng, tính đúng hay không tính đúng thị trường. Thứ hai là trình tự, thủ tục xử lý liên quan đến quyền lợi của người dân. Cuối cùng là việc cấp giấy quyền sử dụng đất, trách nhiệm của người dân phải đóng góp về kinh phí. Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này cần tập trung rà soát từng vấn đề, xem xét nguyên nhân khiếu nại, đồng thời điều chỉnh phương pháp tính giá để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng cho biết, Đà Nẵng là địa phương điển hình. Vừa qua Tỉnh ủy, HĐND thành phố Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. “Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của Bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng, sai mục đích.

Bộ trưởng cho rằng cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, quy định hiện hành, đặc biệt đã có Luật Đất đai 2013 cho phép thu hồi các dự án vi phạm. Thời gian qua, Hà Nội và 3 địa phương khác đã thu hồi hơn 77.000 ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm, không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích, thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, phải xây dựng chỉ tiêu năng lực nhà đầu tư, cơ chế tài chính, tiến độ đầu tư...

Chia sẻ bài viết