22/06/2013 - 19:15

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước

Ngày 22-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật tư, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội. Qua thực tiễn 8 năm thi hành cho thấy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã định ra những chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Đồng thời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận qua quá trình thi hành, Bộ luật Dân sự 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, Bộ luật chưa phát huy được vai trò là luật chung, luật gốc trong hệ thống pháp luật tư; chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền; thiếu vắng những quan điểm lý luận có tính hệ thống; không ít quy định có nội dung không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới... Phó Thủ tướng đánh giá những hạn chế bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng và pháp luật dân sự nói chung.

Tại hội nghị này và trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả và hạn chế của Bộ luật Dân sự cũng như xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế; làm rõ những bất cập phát sinh từ chính các nguyên tắc, các quy định trong Bộ luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực thi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự. Trong lần sửa đổi này, Bộ luật Dân sự cần phải thể hiện hai quan điểm quan trọng là: phải thực sự trở thành nên tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm; phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quá trình hoàn thiện Báo cáo tổng kết và hoàn thiện các quan điểm, định hướng xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải chú trọng việc kế thừa, phát huy các quy định có tính truyền thống mang bản sắc riêng và hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ phát triển gắn với các tập quán, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, đồng thời mang hơi thở của cuộc sống trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết