20/03/2018 - 09:27

Bình yên Côn Ðảo 

Những bước chân thật chậm, thật khẽ. Chậm thôi, để cảm nhận được từng nét đẹp, sự bình yên hôm nay của một Côn Ðảo từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Và khẽ thôi, để không phá vỡ giấc ngủ của các anh, các chị - những Anh hùng liệt sĩ, cả có tên và không tên, đã nằm lại ở hòn đảo cách xa đất liền hàng chục hải lý này...

Một góc Côn Ðảo.

Một thời “địa ngục trần gian”

Cái bắt tay thật chặt cùng những lời nói mộc mạc mà ấm áp, mang đậm vị mặn mòi của những người dân Côn Ðảo vốn quen nghề chài lưới, khiến chúng tôi tan hết nỗi mệt mỏi đường xa, khi phải bay hai chặng từ Nội Bài (Hà Nội) đến Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), rồi nối chuyến tới sân bay Côn Sơn (mà người dân vẫn quen gọi là sân bay Cỏ Ống).

Ô-tô chỉ chạy chừng 15 phút đã về đến trung tâm huyện đảo, nằm giữa thung lũng Côn Sơn có hình bán nguyệt. Xe đi trong một mầu xanh ngắt, bon bon giữa trời xanh, biển xanh, đồi núi cũng được phủ mầu xanh của cánh rừng nguyên thủy cổ xưa. Ngay tại trung tâm huyện, cũng chỉ thấy lưa thưa mấy ngôi nhà nhỏ khiêm tốn nép mình trong xanh rợp bóng cây. Chốc chốc, xe lại chạy qua những nhà tù rêu phong bao phủ, phế tích của một thời “địa ngục trần gian”. Này là trại Phú Hải, trại Phú Tường, trại Phú Bình, này là Chuồng Cọp, Hầm Phân Bò,... Trải qua hơn 100 năm, từ khi thực dân Pháp thành lập Nhà tù Côn Ðảo cho đến ngày Côn Ðảo hoàn toàn giải phóng (1-2-1862 đến 1-5-1975), nơi đây là một "bản cáo trạng sống" kết án mạnh mẽ chính sách xâm lược của thực dân và đế quốc. Hơn 20 nghìn người Việt Nam thuộc diện “nguy hiểm bậc nhất” đối với nền cai trị của Pháp và Mỹ ở Ðông Dương từng bị giam cầm ở Côn Ðảo.

Hằng ngày làm nhiệm vụ hướng dẫn, thuyết minh cho hàng chục đoàn khách, chị Triệu Thanh Nhân, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích Côn Ðảo vẫn không nén nổi xúc động: “Từ tấm bản đồ do một cựu tù nhân vẽ, sự thật về những khu biệt giam Chuồng Cọp với các hình thức tra tấn vô cùng tàn ác đã được phanh phui trước công chúng bởi nhà báo Mỹ Ð.Lu-xơ và Trợ lý của đoàn Quốc hội Mỹ T.Hác-kin vào năm 1970 đã dẫn tới một cuộc biểu tình quốc tế nổ ra ngay sau đó. Dưới áp lực của dư luận quốc tế, 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ được chuyển khỏi các khu Chuồng Cọp. Xiềng xích, đòn roi và các hình thức khủng bố về tinh thần đã không thể khuất phục được ý chí kiên trung, quật cường của các anh, các chị,...”. Tên tuổi những người anh hùng, chí sĩ cách mạng đã trở thành bất tử, như chị Võ Thị Sáu, người con gái Ðất Ðỏ; như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Văn Năm, Nguyễn Văn Hiếu,... Ngày nay, hệ thống nhà tù vẫn còn đó, một số nhà tù luôn mở cửa cho du khách đến tưởng niệm và tham quan.

Ðã nửa đêm, nhưng cả Nghĩa trang Hàng Dương như còn thức. Gần hai nghìn nấm mộ, cả có tên và không tên san sát cạnh nhau, nhấp nhô khắp triền đồi. Từng ngọn đèn, ánh nến lung linh huyền ảo trong không gian u tịch mà linh thiêng. Những chiếc loa nhỏ được gắn chìm khuất trong cây, trong hoa khe khẽ nhắc nhớ câu chuyện về ý chí sắt son của những người con ưu tú. Bên mộ chị Võ Thị Sáu vang lên lời hát: “Mùa hoa Lê-ki-ma nở, ở quê ta miền Ðất Ðỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người Anh hùng, đã chết cho mùa hoa Lê-ki-ma nở... Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước...”. Những đoàn người thành kính, cầm nắm nhang thơm tỏa đi khắp nơi chăm chút cho từng nấm mộ. Không ai bảo ai, tất cả đều bước chân thật chậm, để lắng đọng hơn nét đẹp của Côn Ðảo một thời được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Và thật khẽ, để không phá vỡ giấc ngủ của các anh, các chị, những người đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, cả khát vọng và máu xương của mình cho dân tộc trường tồn.

Một nhóm du khách quan sát cảnh rùa biển đẻ trứng ở Vườn quốc gia Côn Ðảo. Ảnh: Vietfuntravel.com.vn

Bình yên ngày mới

Ðau thương xưa trên từng tấc đất ở Côn Ðảo, giờ đã nhường chỗ cho sự thanh bình, êm ả đến lạ kỳ. Ngoài kia, biển xanh rì rào sóng vỗ, vài con thuyền đánh cá buông neo hững hờ. Trong tiết xuân, cây cối đang đâm chồi non lộc biếc, tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho hòn đảo xa xôi mà gần gụi này. Ông Phan Văn Hoàng, 60 tuổi, gia đình sống ở đây đã đến đời thứ năm, thật sự là một pho sử sống của Côn Ðảo. Rong ruổi xe máy dẫn chúng tôi đi lòng vòng khắp đảo, ông chỉ nơi này từng là hố chôn tập thể những người yêu nước, sau này xương cốt của các anh, các chị được chính quyền cách mạng quy tập về Nghĩa trang Hàng Dương; ngôi nhà to lớn góc đường kia từng là nhà của chúa đảo, gần đó là nhà nguyện để cha xứ rửa tội. Cách trung tâm đảo chừng 2 km là An Sơn Miếu, nơi thờ bà Hoàng Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm), thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Chỉ vì can gián Nguyễn Ánh không nên cầu viện người Pháp đánh quân Tây Sơn, bà thứ phi đã bị tống giam trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay là hòn Núi Bà). Thấy bà nhan sắc hơn người, một tên đồ tể bèn tìm kế hãm hại, bà đã tuẫn tiết để bảo toàn phẩm giá trung trinh. Không chỉ tống giam bà, trong lúc chạy trốn quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh còn ném cả con trai là hoàng tử Cải xuống biển. Vì thế cho nên, người đời bấy giờ đã đặt ra câu hát đớn đau chua xót: “Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”. Bà Hoàng Phi Yến xưa, cùng Anh hùng Võ Thị Sáu sau này là hai người phụ nữ được nhân dân trên đảo thờ phụng như bậc thánh nữ linh thiêng.

“Thứ gì ác độc đều không thể tồn tại được ở mảnh đất này!” - ông Phan Văn Hoàng buông từng lời chắc nịch. Theo như lời người bố ông Hoàng kể lại, trước đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng nhà tù, hòng biến Côn Ðảo thành địa ngục trần gian, từng đem hai con hổ cùng với cá sấu từ đất liền ra Côn Ðảo để nuôi và nhân giống nhằm trấn áp, khủng bố tinh thần yêu nước của các tù nhân. Một con hổ đói khát đã tìm cách mò ra biển bắt cá. Vừa thò chân xuống nước, con hổ bị một con ngao tai tượng khổng lồ ngoạm chặt vào chân. Không có cách nào rút được chân ra, con hổ đã chết vì thương tích và đói khát. Con hổ còn lại cũng như cá sấu sau đó đều chết vì không thể thích nghi được với thổ nhưỡng, khí hậu ngoài đảo.

Côn Ðảo hôm nay, không chỉ có những gia đình gắn bó nhiều đời như nhà ông Hoàng. Gần 200 cựu tù kháng chiến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đã tình nguyện ở lại xây dựng Côn Ðảo. Cựu tù kháng chiến Phan Hoàng Oanh sau ngày giải phóng, đã đưa cả vợ con ra đây, chỉ với một lòng xây dựng Côn Ðảo, để đền ơn Ðảng đã tôi luyện mình. Cựu tù kháng chiến Nguyễn Thị Ny, mấy chục năm liền dù bận công việc đến mấy, vẫn ngày ngày ra nghĩa trang thắp hương cho các đồng đội đã ngã xuống; bác Hai Viên vào tù khi mới 25 tuổi và trước khi về hưu, bác là Trưởng Ban quản lý di tích Côn Ðảo. Có cả những người thuộc thế hệ trẻ sau này đến công tác ở đảo rồi cũng ở lại gắn bó, lấy vợ sinh con lập nghiệp ở đây. Như anh Nguyễn Ðình Lý, quê ở Nghệ An, hiện là Trạm trưởng Kiểm lâm Bảy Cạnh (Côn Ðảo). Thấm thoắt đã hơn 20 năm, anh Lý cùng đồng đội ngày ngày bảo vệ tài nguyên của rừng và biển; bảo tồn, chăm sóc giống rùa biển quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt. Anh Lý kể, vào tháng 7 hằng năm, rùa biển từ các vùng Phú Quý, Bình Thuận, Phú Quốc, Trường Sa,… lại về bãi cát dưới chân ngọn hải đăng Bảy Cạnh để đẻ trứng, sinh sôi. Các chiến sĩ kiểm lâm chính là lực lượng bảo vệ, giúp đỡ rùa lên bờ đẻ trứng an toàn. Vào ban đêm, nhiều hôm có thể có tới 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng, khoảng 80% trong số trứng này sẽ nở thành rùa con, được nuôi dưỡng cứng cáp rồi thả về biển, bắt đầu một vòng đời mới,...

Ngày mới đã lên, chúng tôi tạm biệt Côn Ðảo, nhưng bước chân còn quyến luyến không muốn rời. Không dám hẹn thành lời nhưng lòng đã hứa chắc chắn sẽ sớm trở lại. Bởi nơi ấy, có ông Hoàng, anh Lý cùng biết bao người khác, những người dân chân chất, thật thà, kể những câu chuyện đượm màu huyền thoại. Trong sâu thẳm tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, nơi ấy còn là “bàn thờ linh thiêng của Tổ quốc”, mảnh đất không thể lãng quên...

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết