16/03/2018 - 09:54

Cách làm du lịch độc đáo của đồng bào Cơ Tu 

Đến thăm đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ngày đầu tháng 3/2018 trong một tour du lịch, nhưng điều khiến tôi bất ngờ nhất ở đây lại là vẻ ngoài không có gì giống một điểm du lịch: không hàng quán, không dịch vụ, cuộc sống của người dân dường như vẫn diễn ra như bình thường!

Cả xã cùng làm du lịch

Anh Nguyễn Văn Phi – Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang cho biết, đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing hiện đang tham gia Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng – một dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ ngân sách và do Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) trực tiếp thực hiện.

Khách du lịch khi vừa đặt chân tới xã Tà Bhing sẽ được đồng bào tặng mỗi người một chai nước đựng trong chiếc giỏ đan - một sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người Cơ Tu  

Dự án được thực hiện từ tháng 8/2016 (dự kiến đến tháng 7/2020) đã áp dụng phương pháp phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một của dân tộc Cơ Tu (dệt vải, các điệu nhảy, món ăn truyền thống…), khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương.

Một điều đặc biệt là tất cả các thôn trong xã đều tham gia vào dự án, việc điều phối các tour cũng như chia thu nhập sẽ được thực hiện công bằng cho các thôn. Hợp tác xã (HTX) Du lịch dựa vào Cộng đồng Cơ Tu ở Nam Giang là đầu mối duy nhất nhận tour, nhận khách và phân bổ về các thôn, thôn này đón đoàn này thì thôn kia đón đoàn sau, cứ lần lượt quay vòng 7 thôn. Tiền thu được từ các tour sẽ được HTX phân phối đều cho các thôn, tránh sự mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các thôn. Thậm chí, khách du lịch khi đến Tà Bhing cũng được đề nghị không mua vật dụng, hàng hóa từ nhà dân, mà tất cả đều mua tại các điểm bán hàng theo quy định.

Điểm dừng chân của đoàn chúng tôi lần này là thôn Parong. Tại đây, du khách có dịp trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống thường ngày của người dân Cơ Tu như giã gạo, chẻ củi, đan giỏ,… Bữa ăn hằng ngày của người Cơ Tu khá đơn giản. Họ thường ăn cơm hoặc sắn với rau trồng trên rẫy và các con ốc bắt được từ các con suối. Trong những bữa ăn đặc biệt với du khách, người Cơ Tu chuẩn bị các món ăn được chế biến từ lợn, gà và cơm nếp. Người Cơ Tu sử dụng ống tre và các loại lá rừng để nấu, bởi vậy, thức ăn của đồng bào nơi đây mang hương vị rất đặc trưng của núi rừng. Bên cạnh đó, hương vị từ tiêu rừng, ớt rừng cũng mang lại cảm giác thú vị cho du khách khi thưởng thức.

Khách du lịch khi đến Tà Bhing sẽ được đồng bào Cơ Tu mời thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào tại  nhà Gươl. Nhà Gươl được dựng lên giữa làng và là biểu tượng của cộng đồng Cơ Tu. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa và nghỉ ngơi của dân làng. Vẻ đẹp và sự vững chắc của nhà Gươl thể hiện sự gắn kết của cộng đồng vì nó được dựng lên bởi công sức của mọi người con trong buôn làng. Nhà Gươl có kiến trúc truyền thống rất độc đáo với cột chính ở giữa và vòm mái vững chắc. Cột và các bức tường gỗ được trang trí với các hình tượng đẽo khắc như chim, thú, rồng và hổ.

Những tấm vải thổ cẩm được phụ nữ Cơ Tu dệt, sau đó được may thành các sản phẩm để bán cho khách du lịch 

Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là HTX dệt thổ cẩm Zơra. HTX này chính là khởi điểm của Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Câu chuyện bắt đầu khi vào năm 2001, Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) bắt đầu thực hiện Dự án Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang. Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, dự án đã triển khai các hoạt động thiết thực xuất phát từ nhu cầu của bà con, như phát triển nông nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi, mở các lớp học xóa mù chữ. Năm 2007, khi Dự án Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang kết thúc, bà con đã trực tiếp yêu cầu FIDR tiếp tục hỗ trợ giúp bà con khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu. Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 2008, Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu được triển khai. Cho đến năm 2011, HTX thổ cẩm đầu tiên của bà con dân tộc Cơ Tu được thành lập và vẫn vận hành cho đến nay. Thành công từ việc phát triển nghề dệt thổ cẩm là tiền đề để bà con Cơ Tu tham gia vào Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng.

Từ ban đầu chỉ có một vài thợ dệt, đến nay HTX thổ cẩm Zơra có khoảng 40 thợ dệt. Các sản phẩm cũng tinh xảo hơn, phong phú hơn về mẫu mã, kiểu dáng. FIDR đã cùng bà con nghiên cứu cải tiến kĩ thuật dệt, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm, đào tạo truyền đạt các kĩ thuật cho thế hệ trẻ. Với nguồn ngân sách hỗ trợ từ JICA, hàng chục máy khâu trang bị cho HTX  được dùng để may thành phẩm từ những tấm thổ cẩm dệt bằng tay.

Điệu múa truyền thống Tung Tung Ya Yá của người Cơ Tu 

Trải nghiệm cuối cùng trong tour du lịch đến với đồng bào Cơ Tu là thưởng thức điệu múa truyền thống Tung Tung Ya Yá. Đây là điệu múa được biểu diễn trong các dịp lễ hội nhằm thể hiện lòng biết ơn đến với thần linh. Tung Tung là điệu múa dành cho nam. Người nam tay nắm chắc tấm khiên và cây dáo. Ya Yá là điệu múa dành cho nữ, thể hiện tấm lòng biết ơn và sự vui mừng.

Vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống

Nói về lợi ích từ việc tham gia dự án, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu – anh Briu Thương (cũng là người Cơ Tu) cho biết, nhờ tham gia dự án mà bà con có ý thức cao hơn và chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, kinh tế của từng hộ gia đình cũng được nhích lên, dù chưa nhiều. Qua đó, sự gắn kết cộng đồng giữa các thôn, nhóm cũng được nâng cao hơn. Những nét văn hóa truyền thống riêng của đồng bào Cơ Tu cũng được truyền lại cho các thế hệ trẻ. Chẳng hạn, điệu múa Tung Tung Ya Yá được dạy cho các em nhỏ ngay từ ở nhà trẻ, giúp các em hiểu và yêu hơn về văn hóa dân tộc mình.

Anh Briu Thương giới thiệu với du khách về cách làm du lịch của người Cơ Tu 

Tuy nhiên, anh Briu Thương cũng cho biết, mục tiêu của HTX là muốn duy trì phát triển du lịch một cách bền vững, tránh để tình trạng ồn ào, xô bồ xảy ra. Hiện việc phát triển du lịch ở Tà Bhing cũng còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như chưa có điểm đỗ dừng xe cho khách du lịch.

Người dân ở Tà Bhing vẫn duy trì các công việc làm nương rẫy, săn bắt,… như bình thường, chỉ khi có tour thì mọi người mới tham gia làm du lịch. Chị Cha Hiết Vân  (29 tuổi) đã tham gia Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được khoảng 3 năm với tư cách là thuyết minh viên. Chị cho biết, chị rất vui khi có cơ hội tham gia làm du lịch như thế này, bởi chị vẫn đảm bảo được các công việc bình thường của một người phụ nữ Cơ Tu (chăm sóc con cái, làm nương rẫy,…) và lại có thêm thu nhập từ làm du lịch. Chị có cơ hội hiểu hơn về những giá trị đặc sắc truyền thống của chính cộng đồng, địa phương nơi mình sinh sống. Từ đó chị sẽ truyền tải đến du khách  những giá trị này bằng tình yêu và sự tôn trọng đối với dân tộc mình.

Trong khi đó, bà Rơ Râm Rem (70 tuổi), người bắt đầu dệt vải từ năm 20 tuổi cho biết, công việc dệt thổ cẩm cũng khiến bà bị đau lưng, đau chân, mắt mờ hơn nhưng bà vẫn cảm thấy rất vui. Khi tham gia HTX thổ cẩm Zơra, bà vừa được góp phần để duy trì nghề dệt truyền thống, vừa có thêm thu nhập lúc tuổi già. Với một tấm thổ cẩm khi hoàn thành để may một chiếc túi hoặc ba lô (trong khoảng một tuần), những người thợ dệt như bà Rơ Râm Rem nhận được khoảng 70 – 90 nghìn đồng. Nếu cứ có công việc đều đều, thì mỗi tháng, trung bình mỗi người thợ dệt cũng có thêm tu nhập khoảng 450 nghìn đồng.

Là người trực tiếp tham gia vào Dự án, chị Trần Thị Oanh (cán bộ dự án của FIDR) cho biết: “Dự án đã mang lại những thay đổi tích cực cho bà con, bên cạnh thay đổi về kinh tế, tạo thêm nhiều nguồn thu từ các hoạt động du lịch, sản phẩm hàng hóa thì còn có sự thay đổi ấn tượng về nhận thức. Đó là sự thay đổi nhận thức của bà con về giá trị của bản thân mình, niềm tự hào về đồng bào, dân tộc mình, thể hiện qua cách mà bà con đón tiếp khách du lịch. Đó là một thay đổi rất rõ và chúng tôi thực sự rất vui vì điều đó”.

Theo chị Oanh, Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được thực hiện trên 12/12 xã, thị trấn của huyện Nam Giang. Một trong những khó khăn lớn nhất của những người làm dự án là việc tiếp cận với những xã ở vùng sâu, vùng xa… “Làm thế nào để tiếp cận với bà con ở những địa phương này là một trong những thách thức của chúng tôi. Nhờ vào sự trợ giúp của JICA mà chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới thủ lĩnh tại các điểm. Đây chính là nguồn lực để Dự án được triển khai một cách sâu rộng tới bà con”.

Hiện nay, theo thống kê của HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, khoảng 70- 80% du khách đến với đồng bào là người Nhật Bản. Bởi vậy, trong thời gian tới, HTX mong rằng sẽ ngày càng có nhiều du khách trong nước và các nước đến với đồng bào Cơ Tu.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết