"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy ...". Câu thơ của Quang Dũng từ thế kỷ trước cứ ám ảnh tôi trong ngày xuân thăm lại Mộc Châu.
Đồi chè Mộc Sương.
Không biết nhà thơ tài hoa trong khoảnh khắc xuất thần ở Phù Lưu Chanh 70 năm về trước có biết những dòng thơ ông viết đã mang hồn vía của cả một vùng đất và sống mãi với thời gian.
Một buổi chiều xuân. Cánh đồng hoa cải tuyệt đẹp ở bản Ba Phách sáng lên một màu trắng bạc lấp lánh đung đưa trong nắng. Những chàng trai, cô gái từ những miền đất khác nhau lên thăm Mộc Châu mùa xuân này đang say sưa ghi hình. Núi cao. Trời xanh. Nắng vàng. Khung ảnh với họ đẹp như trong mơ vậy.
Những ngày xuân này, nhiều người từ khắp mọi miền lên thăm Mộc Châu. Thời tiết nắng đẹp như chiều lòng người, làm tăng thêm vẻ cuốn hút của vùng đất trù phú, cảnh sắc hữu tình. Những di tích thắng cảnh của Mộc Châu luôn tấp nập người.
Khu đồi chè Mộc Sương là một trong những điểm thu hút du khách. Một ý tưởng lãng mạn tạo nên một vẻ đẹp độc đáo. Những luống chè được trồng theo hình trái tim trên một đồi chè rộng giữa thảo nguyên, liền bên những đồi chè, cánh đồng hoa cải đang nở hoa chạy dài đến chân núi. Dọc đường vào đồi chè, những người phụ nữ Mông bán sản vật và những chiếc váy thổ cẩm. Những nhóm du khách tạo hình với nương chè trái tim, với quần áo dân tộc và những con ngựa trắng.
Ở cửa hàng liền bên đồi chè Mộc Sương của công ty chè Cờ Đỏ , chúng tôi gặp anh Phạm Văn Khái và con gái, cháu Phạm Thị Hằng đang làm việc tại cửa hàng. Cuộc trò chuyện với bố con anh giúp chúng tôi hiểu thêm tình hình ở đây. Công ty Cờ Đỏ có khoảng 120 héc ta để sản xuất chè Ô Long xuất khẩu. Trong vùng này, bà con nhà nào cũng có trồng chè, nuôi bò sữa. Nhà ít vài con, nhiều nhà có vài trăm con bò. Ngoài ra, nhiều người còn tham gia vào các dịch vụ du lịch đang ngày càng phát triển. Cư dân ở đây đều từng làm việc cho nông trường Mộc Châu, khu vực hình thành nên thị trấn Nông Trường bây giờ với các tiểu khu mang tên các đơn vị của nông trường trước đây.
Mùa hoa cải.
Thác Dải Yếm cũng là một điểm hút khách ở Mộc Châu, gắn với truyền thuyết có người con gái đã dùng dải yếm cứu một chàng trai khỏi dòng nước lũ. Nước từ hai dòng suối lớn hợp lưu đổ xuống thành nhiều tầng trước khi chảy xuống chân núi, nhìn xa giống một dải yếm khổng lồ.
Khu vực xung quanh thác được làm mới đường dẫn xuống thung lũng và các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách. Chúng tôi đã có dịp tản bộ ở khu vực dưới chân thác, ghi lại hình ảnh về cảnh quan thoáng đãng, yên tĩnh của núi rừng cao nguyên. Chỉ tiếc một điều chưa đến mùa mưa, thác còn ít nước nên chưa thấy hết được vẻ đẹp nơi đây.
Mộc Châu còn nhiều cảnh đẹp đón đợi con người những ngày xuân. Thung lũng mận Nà Ka, cách thị trấn nông trường 16 km. Đứng trên đỉnh đèo, mùa hoa mận nở vào ngày xuân, có thể thu vào tầm mắt ở thung lũng đẹp nhất vùng một màu trắng tinh khôi trải dài đến tận chân núi. Rừng thông Bản Áng, thuộc xã Đông Sang, rộng hơn 43 héc ta, mang vẻ đẹp của những cáng rừng thông Đà Lạt, hài hoà với những hồ nước lớn. Đỉnh Pha Luông, cao gần 2000 mét, ở vùng biên giới Việt Lào, có vẻ đẹp thâm nghiêm, một hình ảnh tiêu biểu của Mộc Châu và đã được nhắc đến trong Tây Tiến với câu thơ đầy thương nhớ: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...".
Happy Land.
Happy Land là một khu du lịch nổi tiếng ở Mộc Châu. Trên diện tích hơn 5.000 mét vuông, người ta đã xây dựng các vườn hoa rất đẹp cùng các công trình vui chơi, giải trí, có thể đón khách ở lại qua đêm. Đây là một cách làm du lịch khá bài bản của các nhà đầu tư. Khi chúng tôi đến đây, nhiều du khách, phần lớn là trẻ, đang say mê ngắm cảnh và chụp hình những vườn hoa nhiều màu sắc vào một ngày nắng đẹp. Một Happy Land do con người tạo ra và có sức hấp dẫn trên đất Mộc Châu.
Những người từng đến Mộc Châu đều nhận thấy sự thay đổi nhiều ở vùng đất này. Các đồng nghiệp trong đoàn - nhà báo Ngô Hà Thái và đạo diễn Phạm Lộc đều lên Mộc Châu nhiều lần. Nhà báo Dương Hồng Tư từng làm phóng viên TTXVN tại đây 40 năm trước. Anh kể về Mộc Châu ngày ấy như một vùng đất xa xôi, vắng vẻ, kinh tế chậm phát triển,đời sống văn hoá nghèo nàn, con đường 6 nhỏ bé, cũ kỹ, lượng xe thưa thớt. Bây giờ Mộc Châu đã thay đổi nhiều. Việc phát triển nông lâm nghiệp của huyện tập trung vào nuôi bò sữa, trồng và chế biến chè, cây ăn quả... Toàn huyện đã có khoảng 1.900 héc ta chè. Đàn bò sữa có gần 20.000 con. Mộc Châu đang thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia với nhiều dự án mới. Mấy năm gần đây, số khách du lịch đến đây đã vượt mốc 1 triệu người/năm.
Một khu dân cư gần cửa khẩu Lóng Sập.
Những ngày ở Mộc Châu, chúng tôi còn có chuyến đi về phía tây, đến cửa khẩu Lóng Sập trên biên giới Việt Lào, cách thị trấn khoảng 30 km. Một vùng biên giới bình yên trong ngày xuân với những bản làng rải rác ven chân núi, những con đường vươn những thung xa, những công trình mới đang xây dựng. Khi qua cửa khẩu sang bản Pa Háng trên đất Lào du xuân, chúng tôi gặp đại uý Trần Văn Vĩnh và những người lính biên phòng Việt Lào rất thân thiện. Chúng tôi cũng trò chuyện với những người dân hiền lành ở hai bên biên giới, trong đó có gia đình của chị Lò Thị Dung, người Việt và anh Asan, người Lào. Họ là chủ cửa hàng "Việt Lào anh em" ở gần cửa khẩu, một tên gọi rất ấm áp ở vùng biên giới bình yên này.
Mộc Châu còn có những di tích mang chiều sâu lịch sử. Chúng tôi đã đến Hang Dơi, còn gọi là động Sơn Mộc Hương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một hanh động cổ ăn sâu vào lòng núi với những cột thạch nhũ nhiều hình vẻ, nơi còn lưu dấu tích của con người thời cổ xưa ở vùng này.
Chúng tôi cũng đã đến thăm di tích đồn Mộc Lỵ, nơi ghi dấu chiến thắng năm 1951 của quân ta, tiêu diệt một căn cứ then chốt của quân đội Pháp, mở toang cánh cửa tiến vào giải phóng Tây Bắc. Lâm viên Tây Tiến - khu tưởng niệm các chiến sĩ Tây Tiến, mới được nâng cấp cấp ở tầm di tích quốc gia. Điểm độc đáo là di vật, hình ảnh, phù điêu, tượng đài... về những người lính Tây Tiến hơn 70 năm về trước trong khu tưởng niệm được quy hoạch, xây dựng chính theo ý tưởng trong bài thơ Tây Tiến. Trên đài kỷ niệm ở đây có khắc câu thơ:
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Theo Báo Tin Tức