Truyện ngắn: NGUYỄN NGỌC TUYẾT
Nhiều đêm trong giấc mơ chị vẫn nghe tiếng sóng ấy. Tiếng sóng đổ vào từ biển xa cứ ầm ầm, rào rào như những đêm còn trong căn nhà thời con gái ở cái xóm chài quen thuộc. Mà xóm chài xưa có còn quen thuộc nữa không? Xòe bàn tay đếm, hình như đã hết mười đầu ngón tay rồi. Hơn mười năm chị bỏ xóm chài bên bờ biển ấy để lăn mình vào chốn thị thành. Mùi biển đã phai nhạt rồi. Ký ức cũng không bài xích những bữa cơm bên ánh đèn tù mù với toàn là cá nữa. Cá chiên, cá kho, cá nấu ngót, cá hầm sốt cà
Những con cá biển ăn vào là muốn nghẹn vì mấy ngày nắng gắt, mấy ngày mưa dầm khiến cả nhà như ướp toàn mùi cá, dường như không còn khiến chị chán ghét nữa. Chị nhớ có lần nhỏ bạn ở phố ra chơi, trầm trồ:
Mi thật sướng! Ăn toàn cá biển tươi ngon!
Nghe mà muốn cười phì. Ừ mi cứ ra đây ở vài tháng rồi hẳn nói. Quanh năm ăn cá coi mi còn thèm nữa không? Vậy mà khi xa biển, đôi lúc nhìn khúc cá biển ướp nước đá ở chợ, chị thấy nhớ quay quắt mấy thúng cá tươi ở biển, mắt con nào cũng trong veo, óng ánh vẩy bạc. Nhưng mắc gì mình phải ăn cá? Ở phố biết bao món ngon, món lạ để chị ăn hoài không hết kia mà. Nhớ những hôm đồ ăn dư, chị tiếc của đem cất tủ lạnh, chồng chị lại cằn nhằn:
- Cứ đổ bỏ hết đi! Em đừng sống hoài theo thói quê đó. Mình có thiếu thốn gì đâu!
Chị thường giữ im lặng dù trong lòng âm thầm phản kháng. Rồi chợt thần người nhẩm tính. Mình có thiếu gì không? Chồng con đề huề, kinh tế ổn định. Có phải đội cá đi bán hết xóm này đến xóm khác, bụng đói chân run đầy lo lắng khi nghĩ đến hai đứa em cũng đang đói meo ở nhà đâu. Những ngày đầu xa nhà, chị nhớ em, nhớ mẹ đến gan ruột cồn cào. Cha mất rồi, biết mẹ có bám được vào mâm cá mỗi buổi chợ sáng để nuôi em sống qua ngày không? Những ngày biển động, không có cá, thì sống làm sao? Còn Hân nữa, anh ấy có chạy tới chạy lui đỡ đần mẹ không?
- Em muốn đổi đời thì cứ đi. Anh sẽ đỡ đần mẹ và giúp coi chừng hai đứa em của em.
Người yêu chị, anh bạn thanh mai trúc mã của chị đã hứa như vậy trong đêm chia tay đầy nước mắt trong quá khứ mịt mùng mà chị đã cố quên. Nhưng khó mà quên được. Chị đã bạc bẽo làm sao! Có cơ hội quay lưng với biển là chị cứ đi về phía trước, đi mãi. Bao nhiêu mùa cá, bao nhiêu mùa biển êm, biển động, chị đã quên hết. Mười chín tuổi, không một mảnh bằng trong tay, chỉ biết nghề giúp việc nhà, qua hết nhà này đến quán nọ, để gởi tiền về cho mẹ nuôi em. Rồi nhờ chút nhan sắc và tính chịu thương chịu khó, chị cũng có chồng tử tế. Một chuyến trở lại quê biển, tưởng dễ thực hiện, mà lại từ từ tuột khỏi tay trong sự an phận với guồng sống ở phố.
Có hôm đứa con gái mới lên năm của chị thắc mắc:
- Sao mình không về thăm ngoại hả mẹ? Mẹ nói nhà ngoại ở cạnh biển mà. Con thích tắm biển lắm!
- Ừ, chừng nào con lớn hơn một chút, mình sẽ về ngoại.
Trả lời cho con bé yên lòng vậy thôi. Nhớ biển, chị chỉ làm được một việc duy nhất là cật lực kiếm tiền, gởi về cho mẹ nuôi em. May mà thằng Út năm nay đã học xong đại học, em gái kế chị cũng mới có chồng, một ngư dân như ba chị ngày xưa. Năm rồi em gái nhắn tin cho hay người yêu cũ của chị mới có con trai với cô vợ làng chài. Nghe mà thấy an ủi, thấy bớt đi ân hận vì sự bạc bẽo của mình.
***
Nửa đêm chị thức giấc, tiếng sóng lại vang vọng bên tai. Tiếng sóng đánh thức bao kỷ niệm một thời con gái, như ướp chất muối mặn mòi vào làn da chị. Sao hôm nay giấc mơ ấy lại gần gũi, cụ thể đến vậy. Tại chồng chị vừa đi công tác xa hay tại dòng tin nhắn của em gái chiều nay: Xóm mình hổm rày khổ lắm! Biển nhiễm độc từ ngoài kia lan vào, không ai đi đánh bắt được. Cá chỗ mình chưa bị ảnh hưởng gì nhưng người ta không dám ăn, có bắt được cũng ế chợ, phải đổ bỏ thôi. Tin tức làm nóng ran cả ngực. Vậy rồi làm sao sống? Những gia đình ngư dân chắc là điêu đứng. Những thau cá bán chợ của mẹ mình, cuộc sống của gia đình nhỏ em, cả của bà con xóm chài nữa. Ở biển, treo lưới có nghĩa là treo miệng, treo luôn việc học hành, sách vở, ước mơ của bao đứa nhỏ.
Chị nhớ mùa này đang là mùa cá trích, mùa làm ăn của làng chài. Loại cá này có từ tháng 9 đến tháng 11, chỉ ba tháng đánh bắt ngư dân có thể dành dụm sống được cả năm. Nhắm mắt, chị lại nhớ những con cá trích óng ánh vẩy bạc mắc đầy lưới, gỡ đến mỏi tay. Rồi những thau cá để hàng hàng dưới nắng ban mai, người bán, người mua đông nghẹt. Mùa cá trích huy hoàng năm nay sẽ ra sao? Chừng nào khu chợ cá sớm mai lại rộn ràng đông vui? Những câu hỏi cứ âm âm quay quắt trong đầu chị, người từ lâu đã rời xa những con sóng biển, rời xa những con mắt cá trong veo trong từng tay lưới nặng oằn. Dù sao mình cũng phải về với mẹ, với em và với biển thôi.
***
Chị dắt tay con gái nhỏ bước dài trên bãi cát. Sáng nay chị đã bỏ lại sau lưng nhưng lời cằn nhằn của chồng để về đây:
- Liệu em có làm cho biển hết ô nhiễm được không? Hay có em thì mẹ và em Thủy sẽ có cá bán chợ? Hay có em người ta sẽ lại đi mua cá?
Chị cũng biết gởi chút tiền cho mẹ, cho em là được, như lời anh nói. Nhưng, tiền bạc đâu có làm giảm cơn đau thắt trong lòng chị, đâu có làm im tiếng sóng biển hằng đêm vẫn rì rầm trong đầu chị. Giờ chị đang về với biển, với từng đợt sóng thân yêu và cát vàng nóng bỏng dưới chân. Biển vắng lặng đến không ngờ. Chỉ có mấy quán ăn, quán cà phê sát bãi là còn có người, có chút sinh khí. Mọi người tụ lại để nghe ngóng tin tức, mong biển yên lành trở lại. Biển vẫn xanh ngắt, dập dềnh ngoài kia.
Đêm. Chị lại một mình ra biển. Ban chiều Hân nghe chị về, anh nhắn tin muốn gặp. Không cần hỏi, chị cũng biết anh sẽ đợi mình trên mỏm đá quen thuộc đó. Khi nhìn dáng ngồi của anh, từ xa chị vẫn nghe trống ngực thình thịch như những lúc hẹn hò xưa. Cũng như xưa, anh bình thản khi thấy chị;
- Em mới về? Sao không dẫn con gái em đến anh chơi?
Em sẽ đến chứ. Tại còn lu bu công chuyện nhà.
Chị ngồi xuống cạnh anh. Anh nói chậm rãi:
- Anh muốn gặp để nói em đừng lo quá. Dân làng biển mình đã quen sóng to gió lớn rồi, khó khăn gì cũng qua thôi.
Sao mà chị muốn gục vào vai anh để khóc một lần cho hả. Những giọt nước mắt đọng lại từ mối tình cũ, nhưng đường đi đã rẽ hướng, chị chỉ được ngồi bên anh, nói chuyện về biển.
Anh không cần nói nhiều. Sự vững vàng, cứng cáp của anh đã sưởi ấm lòng chị, xua đi nỗi lo trong tâm trí chị. Ừ, làng biển còn những người dày dạn sóng gió như anh, sao chị còn quay quắt, băn khoăn?