20/12/2021 - 08:02

Bi hùng “Rừng khộp mùa thay lá” 

Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot ghi dấu một giai đoạn lịch sử bi hùng và tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một phần của cuộc chiến ấy được tái hiện qua hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” (NXB Trẻ) của người trong cuộc: cựu chiến binh Nguyễn Vũ Ðiền. Ðây là một tác phẩm ấn tượng về chiến tranh, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc.

Mùa thu năm 1978, đang là sinh viên năm ba của Ðại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Vũ Ðiền và hơn 50 giáo viên, sinh viên của trường được gọi nhập ngũ. Anh vào chiến trường K, trở thành lính thông tin vô tuyến của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, có phần bàng hoàng khi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh và những hy sinh của đồng đội, chàng lính trẻ dần trở thành chiến binh thực thụ, vững chân bước qua bao máu lửa, đạn bom. Ðến năm 1980, anh được đơn vị cử về nước, được đào tạo cán bộ nguồn cho quân đội. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Tăng - thiết giáp, tác giả tiếp tục cống hiến trong quân đội với nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Tuy nhiên, 2 năm chiến đấu ở mặt trận Tây Nam mãi là ký ức không thể nào quên và “Rừng khộp mùa thay lá” đã cùng tác giả kể những câu chuyện đầy bi hùng của quá khứ.

Chuyện về những chuyến hành quân gian khổ khi mùa khô, cũng là mùa rừng khộp thay lá, được ví như những cuộc viễn chinh trên sa mạc, bởi cái nắng đổ lửa và khan hiếm nước đến nỗi nhiều chiến sĩ bị ngất vì khát và kiệt sức. Trong khi mùa mưa thì mênh mông nước, “Nước cản bước chân người lính, nước làm cho quần áo, giày tất ướt sũng, hôi xì, khiến da dẻ bợt bạt...” (trang 226). Hoặc những đêm hành quân bí mật trong rừng tre gai dày đặc mà tối đen như mực. Những gai sắc của tre xuyên qua cơ thể khiến quần áo rách bươm, chân tay, cơ thể tứa máu; thêm những con vắt bám vào hút máu khiến bước chân người lính càng gian nan, vất vả. Rồi những trận sốt rét, những bữa cơm nắm ăn với muối cục kéo dài; và nhất là những thương vong…

Tất cả những điều đó không cản nổi bước chân và ý chí chiến đấu của người lính. Họ đi qua khắp các chiến trường, phum, sóc, những vùng rừng sâu nước độc để đánh đuổi quân diệt chủng. Trải dài suốt tác phẩm là những trận đánh ác liệt, ở những địa danh in đậm dấu ấn trong lịch sử như: hồ Ampil, phum Khvav, ngã tư xương máu, ngã ba con voi, Cao Melai, Cro Lanh, Pailin… Ở những nơi đó, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống và có những hy sinh tới giờ tác giả vẫn không quên. Bằng góc nhìn của người trong cuộc, Nguyễn Vũ Ðiền khắc họa sự mất mát, đau thương của chiến tranh và cảm nhận, tâm tình của người lính một cách chân thực, chi tiết, gần gũi mà không tô hồng hay sáo rỗng. Tất cả như những thước phim quay chậm, rõ nét, phơi bày bộ mặt tàn khốc của chiến tranh mà ai đi qua nó đều có những vết sẹo không thể lành trong tâm hồn.

Xen kẽ những bi thương là những giây phút nghỉ ngơi, những trò nghịch ngợm của lính mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, thư giãn. Là những tình cảm của người dân đất nước Chùa Tháp dành cho bộ đội Việt Nam, trong đó, câu chuyện về người mẹ Khmer dành hết sự thương yêu cho tác giả khiến người đọc không khỏi rưng rưng xúc động. Ðể rồi 39 năm sau, ông cùng đồng đội có dịp trở lại chiến trường xưa, đến những địa danh lịch sử để tưởng niệm đồng đội, để tìm lại người mẹ ấy nhưng bà đã không còn…

“Rừng khộp thay lá” giúp người đọc thêm hiểu về một cuộc chiến, để thêm yêu và trân quý người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết