22/06/2020 - 08:53

Bi hùng ``Fukushima 50: Thảm họa kép'' 

Tái dựng trận động đất kèm sóng thần năm 2011, “Fukushima 50: Thảm họa kép” là bản hùng ca về 50 kỹ sư, công nhân tình nguyện ở lại nhà máy điện hạt nhân để cứu miền Đông Nhật Bản bằng tất cả trách nhiệm và lòng yêu nước. Phim mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật và khác biệt với những phim về thảm họa của Hollywood.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Poster phim.

Phim mở đầu bằng một loạt sự kiện xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, sau hai thảm họa kép động đất và sóng thần, nhà máy bị mất điện. Máy phát điện dự phòng cũng bị hư hỏng, khiến toàn bộ nhà máy rơi vào tình trạng khẩn cấp. Bởi vì hệ thống bơm nước làm mát thanh nhiên liệu bị vô hiệu hóa, biến các lò phản ứng nơi đây thành những quả bom khổng lồ, có thể trở thành thảm họa hạt nhân khủng khiếp trong lịch sử nhân loại nếu nhà máy phát nổ. 50 kỹ sư, công nhân nơi đây đã bám trụ suốt 5 ngày tìm mọi cách để làm mát các lò phản ứng bằng mọi giá. Song song đó là không khí khẩn trương và các chỉ đạo khẩn cấp từ chính phủ và văn phòng điều hành nhà máy đặt tại Tokyo. Tất cả dồn hết tâm sức và huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn tai họa xảy ra…

Có thể nói “Fukushima 50” là một bức tranh sống động về thảm họa nặng nề trong lịch sử Nhật Bản. Sự tàn phá và hủy diệt khủng khiếp của thiên tai được tái hiện chi tiết, chân thực qua những thước phim với kỹ xảo hiện đại. Phim được chăm chút kỹ lưỡng từng bối cảnh, những cảnh quay dù là đại cảnh cháy nổ hay gương mặt trĩu nặng tâm sự của nhân vật. Kịch bản dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành nhưng vẫn dễ hiểu. Diễn xuất đồng đều nhưng vẫn có đất dành cho từng nhân vật phát huy.

Ðiều chạm vào trái tim khán giả là sự hy sinh quên mình của những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm của tập thể. Trước sự cố có thể mất mạng, nhưng không ai rời bỏ vị trí hay có ý định khác. Tất cả đồng lòng vì mục tiêu bảo vệ nhà máy, bảo vệ nhân dân và đất nước. Phim còn chú ý khắc họa các sự kiện, nhân vật bên ngoài nhà máy để thấy được sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống. Sự phối hợp chặt chẽ của từng bộ phận cùng những lo lắng, những cuộc họp bàn khẩn cấp, những giải pháp nhanh chóng được triển khai cùng từng động tĩnh của các lò phản ứng hạt nhân… khiến mạch phim luôn căng cứng, đẩy người xem luôn ở trạng thái căng thẳng và lo sợ thảm họa hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, khi đối mặt với cái chết, với thảm họa khôn lường sắp xảy ra thì tình cảm gia đình chính là những chi tiết làm dịu bớt sự căng thẳng của phim. Những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn, những bức ảnh người thân, những cái ôm hay lời động viên, xin lỗi… làm phim có những giây phút lắng đọng và đầy cảm xúc.   

Ðiều đáng tiếc nhất của phim là không đẩy kịch tính lên cao trào, không tạo ra những tình huống, khoảnh khắc gay cấn, thót tim nhất khi ngăn chặn thảm họa xảy ra. Do đó, chưa làm thỏa mãn người xem như các phim khác của thế giới. Ðây cũng chính là cách làm phim khác biệt của người Nhật. Phim không hề trao trách nhiệm giải cứu thế giới cho một cá nhân mà đó là công sức, là sự cố gắng của một tập thể. Hoàn toàn không có hình tượng “người hùng” thường thấy như trong phim của Hollywood. Ngoài ra, tính cách con người, cách ứng xử của các nhân vật đều mang đậm dấu ấn văn hóa bản xứ nên khán giả thế giới sẽ hơi khó tiếp nhận nếu chưa hiểu về văn hóa của người Nhật.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết