19/10/2017 - 16:02

Xét xử phúc thẩm vụ Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải nhận hối lộ:

Bị cáo Đoàn Vũ Duy nhận tội 

(CTO)- Ngày 19-10-2017, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra giao thông (TTGT) Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ.

Sau khi bị tuyên các mức án từ 7 năm tù đến chung thân về tội nhận hối lộ trong phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo Dương Minh Tâm (nguyên Phó chánh TTGT), Đoàn Vũ Duy (nguyên Đội trưởng Đội 11), Võ Hoàng Anh (nguyên Đội trưởng Đội 3), Nguyễn Trần Lưu (nguyên Đội trưởng Đội 6), Lý Hoàng Minh (nguyên Đội phó Đội 3), Hồ Công Thiện (nguyên Đội phó Đội 7), Trần Lập Pháp (nguyên cán bộ Đội 4), Trần Tường An và Nguyễn Văn Cần đã nộp đơn kháng cáo. Đa số các bị cáo cho rằng bản án quá nặng, xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Đoàn Vũ Duy kháng cáo xin xem xét lại bản án sơ thẩm và chống án kêu oan.

Các bị cáo trong phần thẩm vấn. Ảnh: S.HÀ

Tại phiên tòa phúc thẩm này bị cáo An xin rút kháng cáo. Bất ngờ hơn là bị cáo Duy thừa nhận hành vi nhận hối lộ, nhưng cho rằng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng mà bản án sơ thẩm quy kết cho bị cáo nhận hối lộ là quá cao, không phù hợp, đề nghị xem xét lại.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố cho rằng các bị cáo không đưa ra được tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ nên không có cơ sở để giảm nhẹ, đề nghị bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Bên cạnh đó, đối với bản án sơ thẩm đã xét xử, đã có sai sót trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án và hình phạt áp dụng đối với các bị cáo nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm. Kiến nghị các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ nhanh chóng phân loại, điều tra, xử lý đối với các đơn vị có thành viên nhận hối lộ trong thời gian dài…

Các bị cáo và luật sư đưa ra các chứng cứ để HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ tội. Riêng luật sư bào chữa cho bị cáo Duy đã cho rằng một số chứng cứ chưa được làm rõ trong quá trình điều tra mà quy kết tất cả số tiền từ Cần nhận hối lộ không chứng minh được chuyển cho ai mà quy kết cho Duy là gây bất lợi cho bị cáo, không đúng với tinh thần của của Bộ luật Hình sự “xem xét theo hướng có lợi cho các bị cáo”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Duy cho rằng các cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm thu thập các chứng cứ để buộc tội bị cáo, nếu không chứng minh được thì không thể quy kết cho bị cáo.

Sau quá trình tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét đối với một số tình tiết mà các luật sư của bị cáo đưa ra để lượng hình trong quá trình nghị án. 

Từ năm 2013 - 2016, Tâm, Duy, Hoàng Anh, Minh, Trần Lưu, Công Thiện, Lập Pháp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, đã trực tiếp hoặc qua trung gian là bị cáo Cần và An để nhận tiền một số doanh nghiệp, cá nhân có ô tô hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa để không kiểm tra hoặc bỏ qua một số lỗi giao thông đường bộ, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.

Theo đó, nếu doanh nghiệp nào không cho tiền hoặc vi phạm pháp luật đã được đặt vấn đề mà không nộp tiền thì sẽ bị kiểm tra thường xuyên, xử lý thật nặng buộc các doanh nghiệp đặt vấn đề chung, chi để không bị xử lý. Mức tiền các doanh nghiệp, cá nhân nộp cho các đối tượng từ 1 - 28 triệu đồng/tháng, tùy theo quy mô số lượng xe nhiều hay ít, có doanh nghiệp phải nộp lên đến gần cả tỉ đồng. 

HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao nghị án và sẽ tuyến án vào sáng 20-10.

S.HÀ

Chia sẻ bài viết