14/04/2011 - 21:20

Bệnh quai bị -
Cần có cách phòng bệnh hợp lý

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan thành dịch. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt, chủ yếu là tuyến mang tai. Trong những trường hợp đặc biệt, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm tuyến sinh dục (có thể gây vô sinh),... Hoặc các biến chứng khác hiếm gặp hơn như : viêm khớp, viêm cơ tim, viêm tụy cấp, viêm một số dây thần kinh,... Vì thế các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ mắc bệnh quai bị. Trao đổi với phóng viên báo Cần Thơ, bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, thông tin về bệnh quai bị như sau:

Nhiều người dân đến Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm ngừa những bệnh truyền nhiễm như quai bị, Rubella,... Ảnh: HỒNG VÂN

Bệnh quai bị do một loại virus ARN thuộc nhóm Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Thanh niên và người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm phòng trước đó. Đối với người trưởng thành, khi bị mắc bệnh quai bị, ngoài những biểu hiện viêm tuyến mang tai, nước bọt thì người bệnh thường có những biểu hiện tổn thương đa dạng hơn như: viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng,... Bệnh lây qua đường hô hấp, do nước bọt bị nhiễm trùng nên khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi sẽ lây bệnh cho những người xung quanh. Thời điểm lây bệnh cao nhất là mấy ngày trước khi sưng tuyến mang tai và sau khi sưng tuyến mang tai 5 ngày (kéo dài khoảng 2 tuần).

Bệnh xảy ra ở trẻ chưa được chủng ngừa quai bị và có tiếp xúc với người mắc bệnh trong khoảng 2- 4 tuần trước đó (trung bình 16-18 ngày). Triệu chứng lúc đầu là trẻ biếng ăn, khó chịu, đau đầu, sốt nhẹ không kèm lạnh run, cũng có khi sốt cao, đau họng và đau góc hàm. Sau khoảng 1 đến 3 ngày, tuyến mang tai sưng to dần và đau nhức nhiều hơn (đau gia tăng khi khám hoặc khi nhai và uống nước chua). Lúc đầu, người bệnh thường sưng 1 bên ở vùng má và vùng dưới dái tai. Sau đó, lan sang bên đối diện và tuyến dưới lưỡi, dưới hàm, dưới cằm. Da đỏ nhưng không nóng, ấn vào có cảm giác đàn hồi (đây là dấu hiệu phân biệt với viêm tuyến mang tai do vi trùng), miệng khô, khó nuốt. Sau khoảng một tuần thì tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, các triệu chứng đau họng, khó nuốt cũng giảm theo.

Hiện nay, quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc cơ thể. Cụ thể là trẻ cần được nghỉ ngơi tại chỗ, không cho trẻ nô đùa vận động nhiều (đặc biệt khi trẻ có sưng tinh hoàn thì trẻ càng cần được nghỉ ngơi tuyệt đối), cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, nhiều chất dinh dưỡng để trẻ dễ nuốt và tăng sức đề kháng, uống nhiều nước, đắp khăn ấm vào vùng bị sưng, săn sóc vùng răng miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng. Đối với những trẻ có dấu hiệu sốt cao hoặc đau nhiều thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau. Trường hợp trẻ có biến chứng cần được điều trị bằng một số thuốc đặc trị khác.

Để phòng bệnh lây lan cho cộng đồng, người bệnh quai bị cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai. Ở trường học, khi phát hiện trẻ bị quai bị phải cho trẻ nghỉ học. Khi có dịch phát triển, mọi người nên rửa tay thường xuyên với xà phòng, làm sạch đường hô hấp bằng cách súc miệng với nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người bệnh (khi tiếp xúc phải mang khẩu trang). Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh quai bị nên các bậc phụ huynh cần chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ từ 1 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động như vắc-xin Trimovax hay MMR.

Các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu quai bị (bị đau và sưng tuyến mang tai kéo dài 2 ngày hoặc lâu hơn mà không có nguyên nhân rõ ràng nào khác) cần đưa trẻ đi khám để làm các xét nghiệm chẩn đoán quai bị và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi đề phòng các biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng là trẻ cần được chủng ngừa quai bị, đặc biệt là ở những trẻ dậy thì. Không chỉ ở trẻ em mà đối với lứa tuổi thanh niên và người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch chống quai bị. Thậm chí, bệnh quai bị xảy ra ở người trưởng thành thường có khuynh hướng nặng hơn. Chính vì thế nên mọi người cần phải cẩn trọng phòng ngừa loại bệnh này.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết