24/11/2023 - 09:44

Bến Tre khai thác tiềm năng, lợi thế từ kinh tế biển 

Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước và là địa phương thứ 8 được Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, tỉnh Bến Tre luôn quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển và các khu vực ven biển. Đồng thời, vận động ngư dân chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Định hình ngành kinh tế mũi nhọn

Với chiều dài 65km bờ biển đi qua địa phận 10 xã thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có lợi thế phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế thủy sản. Diện tích nuôi thủy sản tiềm năng gần 50.000ha, trong đó nuôi lợ mặn 42.000ha; số lượng tàu khai thác thủy sản hiện nay gần 3.000 tàu, trong đó có hơn 2.000 tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm hơn 500.000 tấn, trong đó khai thác hải sản chiếm hơn 200.000 tấn, thủy sản nuôi 300.000 tấn. Dịch vụ hậu cần nghề cá khá đồng bộ với 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sản lượng thủy hải sản khai thác đưa về các cảng cá tương đối ổn định… Kinh tế thủy hải sản phát triển đồng bộ đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng ven biển.

Tỉnh Bến Tre xác định phát triển kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng là một trong những thế mạnh mũi nhọn để phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Bến Tre quyết liệt tuyên truyền, quản lý chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và duy trì cho đến nay. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt chống khai thác IUU.

Thực hiện theo Chỉ đạo của Trung ương, Bến Tre đã thành lập Ban Chỉ đạo 689 tỉnh từ năm 2017, hàng năm có kiện toàn và có kế hoạch hoạt động cụ thể, cuối năm có tổng kết đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Ngoài ra, UBND tỉnh ký kế hoạch hợp tác với 8 tỉnh ven biển từ Cà Mau, Kiên Giang đến Bình Thuận trong công tác quản lý tàu cá. Tỉnh ký quy chế phối hợp với Cảnh sát biển 3, Cảnh sát biển 4 trong công tác chống khai thác IUU và đạt nhiều kết quả tích cực như trao đổi thông tin trong quản lý cũng như phối hợp xử lý tốt các trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.

Ngư dân tỉnh Bến Tre nhận những phần quà ý nghĩa từ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh: Nhờ sự tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương nhất là công tác tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản ngày một nâng lên. Tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công tác cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác đã trở thành thói quen đối với bà con ngư dân khai thác. Đây là kết quả giúp cho tỉnh hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo kế hoạch, với tinh thần sẵn sàng cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng EC trong thời gian sớm nhất.

Vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an

Theo Ths Hoàng Việt, chuyên gia Luật Biển Quốc tế, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, năm 2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này do chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc nhận thẻ vàng của EU có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU, cũng như sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

EU cũng đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục để được đánh giá rút lại thẻ vàng. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển, khai thác, đánh bắt hiệu quả nhưng bền vững; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân.

Với 25 năm bám biển và có đội tàu có công suất trên 300 mã lực, ông Đào Văn Vui, ở thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là một trong số những ngư dân tiêu biểu của tỉnh tham gia Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Nhận những phần quà ý nghĩa từ chương trình là chiếc bình ắc-quy, hộp pin để giữ định vị khi đánh bắt trên biển, đèn led, túi thuốc gia đình mang cùng khi ra khơi…, ông Đào Văn Vui chia sẻ: "Chính quyền địa phương cùng các cơ quan biên phòng của tỉnh Bến Tre luôn quan tâm tuyên truyền đến các chủ tàu thuyền và ngư dân các quy định pháp luật khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Với những thông tin, kiến thức được cập nhật qua cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tuyên truyền để các ngư dân và tàu thuyền trong đoàn lưới khác khi hoạt động trên biển chấp hành tốt các quy định về đánh bắt hải sản trên biển, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi tham gia đánh bắt để Việt Nam được sớm gỡ thẻ vàng EU, đời sống ngư dân ổn định hơn".

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4-2023 đến cuối năm 2025, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ra mắt Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước. Mục tiêu của Chương trình là nhằm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU cho ngành hải sản; xây dựng một nền thủy sản Việt phát triển bền vững và tiếp thêm động lực để ngư dân tiếp tục bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chương trình còn tổ chức các không gian tương tác pháp lý khác như tọa đàm, đối thoại, hội thảo pháp lý, các diễn đàn “đáp lời ngư dân”, tạo nhịp cầu kết nối để bà con ngư dân bày tỏ những mong muốn đối với chính quyền các cấp.

Đặc biệt, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh biên soạn và xuất bản cuốn sách “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” theo cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ mang theo để tặng ngư dân với mong muốn giúp bà con tìm hiểu và thực hiện nhằm “vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an”. Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ cho ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển, phát huy vai trò, sự hiện diện của ngư dân trên từng vùng biển, mỗi con tàu ra khơi là “cột mốc chủ quyền”, mỗi ngư dân là một “chiến sĩ biên phòng” trên biển, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết