20/01/2010 - 08:57

Bế mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(VOV)- Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 - Phiên họp lần thứ 27, sáng 19-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của hai Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật An toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

Dự thảo Luật cũ gồm 8 chương, 46 điều, nhưng sau khi giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 thì dự thảo Luật mới có 7 chương, 49 điều. Trong đó, có 10 điều mới, 7 điều được loại bỏ hoặc lồng ghép vào các điều khoản khác; và đa số các điều còn lại đã được sửa đổi, chỉnh lý cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, mặc dù Ban Soạn thảo đã có tiếp thu, chỉnh lý nhưng luật còn chung chung, thiếu thực tiễn, chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào dự thảo Luật là chưa hợp lý; vì chương trình mục tiêu được thực hiện trong thời gian nhất định, còn Luật thì không có thời hạn.

Đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, để dự án Luật có tính khả thi hơn thì cần rà soát, sửa đổi lại những điều khoản mang tính chung chung, nghị quyết.

Cũng trong buổi làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về 5 vấn đề lớn của dự thảo Luật An toàn Thực phẩm. Về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước an toàn thực phẩm, các đại biểu tán thành với phương án 1. Đó là, quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với một số nhóm sản phẩm thực phẩm mà các Bộ đã có kinh nghiệm. Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với các bộ hữu quan trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, chủ trì công tác phòng chống thực phẩm giả. Tuy nhiên, các Bộ cần bàn bạc với nhau để phân công quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng; cần quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo 3 cấp Trung ương - tỉnh - quận, huyện.

* Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, tập trung thảo luận một số vấn đề lớn của hai Dự án Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.

Liên quan đến dự án Luật Bưu chính, 4 vấn đề được đưa ra để các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến là: dịch vụ bưu chính công ích; việc kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với Báo cáo xin ý kiến tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật của Ban soạn thảo. Theo đó, dự thảo Luật Bưu chính sau khi chỉnh sửa gồm 10 chương, 49 điều, tăng 3 điều so với dự thảo luật cũ. Theo nhiều đại biểu, dự thảo Luật quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù là phù hợp với thực tế của Việt Nam cũng như phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Trong 7 vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Người khuyết tật đưa ra thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm rõ: các quy định phân dạng, phân hạng, cấp Giấy chứng nhận khuyết tật; sử dụng lao động là người khuyết tật trong các doanh nghiệp; việc đảm bảo cho người nguyết tật tiếp cận nhà ở, công trình và phương tiện giao thông công cộng.

Cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã kết luận và tuyên bố bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xung quanh 6 dự thảo luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, ở mức độ khác nhau, có luật được xây dựng tốt, có luật chưa tốt; có luật đạt yêu cầu cao, có luật còn phải chỉnh sửa, bổ sung thêm. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, sau phiên họp này, cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, đặc biệt đối với những luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu phải cụ thể hóa thêm, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật”.

Chia sẻ bài viết