22/03/2013 - 21:47

Bế mạc Hội thảo ASEM quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh

(CT)- Sau 2 ngày làm việc, chiều hôm qua (22-3) "Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh" đã kết thúc thành công tốt đẹp với sự nhất trí của các thành viên ASEM đẩy mạnh hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước theo hướng tăng trưởng xanh.

Với 4 Phiên thảo luận sôi nổi và hàng chục bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, diễn giả. Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững và tăng cường hơn nữa hợp tác Á - Âu về đẩy mạnh hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước, quản lý bền vững các lưu vực sông gắn với tăng trưởng xanh. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có các cách tiếp cận mới mang tính tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực, thay đổi cách làm để thúc đẩy phát triển và giảm nghèo; xây dựng các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ hơn trong cơ sở hạ tầng, thể chế và thông tin để thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh cho quản lý và sử dụng nước, tăng cường hợp tác công - tư; trao đổi chính sách trong các vấn đề nước, bao gồm nước xuyên biên giới, với mục tiêu cân bằng các lợi ích khác nhau trong phát triển. Qua các phát biểu và ý kiến thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhận định rằng mối quan hệ tương tác giữa nước, lương thực và năng lượng sẽ là một xu hướng toàn cầu lớn trong nhiều thập kỷ tới và những thách thức về nguồn nước xuyên biên giới đang đòi hỏi hợp tác không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu nhằm cân bằng giữa các nhu cầu khác nhau một cách bền vững. Hội thảo cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học, bao gồm các thỏa thuận hợp tác song phương, tiểu khu vực và khu vực. Các đại biểu cũng đề cao các sáng kiến toàn cầu, trong đó có các sáng kiến của Liên Hiệp Quốc về Ngày nước thế giới, Thập kỷ hành động về nước cho cuộc sống và sáng kiến của Hội đồng Nước Thế giới về Nước và tăng trưởng xanh…

Hội thảo nhất trí cho rằng, châu Á và châu Âu là nơi có nhiều dòng sông lớn nhất thế giới chảy qua, có trách nhiệm chung và có khả năng đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu hướng tới quản lý bền vững tài nguyên nước. Trên thực tế, ASEM đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến để gắn kết tài nguyên nước với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững. Theo đó, để giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến nguồn nước, bảo đảm lợi ích của nhân dân về kinh tế và phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, các đại biểu cho rằng các nước Á - Âu cần tăng cường hợp tác, trao đổi và đối thoại trên tinh thần xây dựng và đối tác bình đẳng. Việc xử lý các thách thức phi truyền thống toàn cầu nói chung và vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói riêng đang tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác và đối thoại Á - Âu. Hội thảo cũng nhất trí cần tăng cường tham dự và hỗ trợ của ASEM đối với các cơ chế của các thành viên trong hợp tác khu vực và tiểu vùng về quản lý nước, như tiểu vùng Mê Công, Đa-nuýp…, đồng thời tăng cường đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Nước Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Chiềng Mai, Thái Lan vào tháng 5 năm 2013 và Hội nghị Thượng đỉnh Nước thế giới Budapest tại Hunggary vào tháng 10 năm 2013.

Hội thảo đã thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Ấn Độ vào tháng 11-2013, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEM và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Bỉ năm 2014.

m Trong thời gian diễn ra Hội thảo, vào sáng ngày 22 tháng 3 năm 2013, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi thăm Dự án Kè sông Hậu tại thành phố Cần Thơ. Bạn bè quốc tế đánh giá cao nỗ lực và các dự án của Việt Nam nhằm quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các nước và các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ và nhất trí cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức đang đặt ra đối với việc quản lý nguồn nước sông Mê Công, nhất là với các nước ở hạ nguồn, khi mà Mê Công là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán trong một thập kỷ qua. Bạn bè quốc tế bày tỏ sự ấn tượng với thiên nhiên sông nước, con người vùng đất Tây Nam Bộ và cám ơn nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức Hội thảo một cách chu đáo, tuyệt vời.

Văn Công

Chia sẻ bài viết