26/03/2011 - 21:19

Bẫy cá thòi lòi

Những ngày nghỉ, lễ tôi thường về quê cho tâm hồn thư thả và sẵn tiện “bồi dưỡng”. Lần nào về tôi cũng ghé nhà người dượng thứ Năm nói chuyện trên trời dưới đất. Thích nhất là được đi bẫy cá thòi lòi với dượng. Bẫy cá thòi lòi rất công phu, cứ như người ta đánh trận vậy: cá thì xây hang phòng thủ, người muốn bắt nó phải có bẫy, qua từng công đoạn mới mong túm vài chú cá làm mồi lai rai.

Cá thòi lòi ở vùng ven biển ngập mặn Thạnh Phú - Bến Tre con nào cũng to tổ chảng. Chúng di chuyển trên mặt nước cực nhanh nên bà con quê tôi đặt cho nó biệt danh là “anh hùng vượt đại dương”. Thòi lòi sống ở khắp nơi, từ mé sông cho đến nhánh rạch nho nhỏ đan xen rừng bần, rừng đước. Trong vuông tôm quảng canh có những cái hang cá phức tạp, có khi chỉ một con thòi lòi nhưng nó làm tới 3 cái hang trú ngụ. Biết hang nào là chính, hang nào chỉ để “nghi binh” thì chỉ có người săn cá lâu năm mới phán đoán được. Đôi khi thấy dấu trên miệng hang mới chát nhưng trong hang chẳng có anh cá nào và ngược lại. Ngoài hang chính còn có một nơi tránh nạn được gọi là nùi rọ. Nùi rọ là một nhánh đâm giữa lưng chừng hang chính tạo thành hình chữ Y. Đây được xem là nét đặc trưng “nghệ thuật” làm hang của cá thòi lòi. Nhờ nùi rọ cá vẫn sống dù miệng hang có bịt kín. Một lượng lớn oxy được lưu giữ tại nùi rọ giúp cá sống tới hai, ba ngày. Khi gặp trường hợp nguy hiểm cá sẽ chui vào nùi rọ ẩn náu dù cho hang chính có bị phá tan tành. Những người bẫy cá thòi lòi chuyên nghiệp thường dùng chân thọc vào hang phá nùi rọ trước khi đặt bẫy. Nếu nùi rọ vẫn còn thì không bao giờ cá chịu chui vào chà di cả!

 

Chà di (*) là dụng cụ bắt cá được đan bằng lá dừa nước. Một cái chà di cần khoảng 10 chiếc lá dừa nước kết lại và túm kín một đầu. Khi phát hiện ra nơi ở chính của cá thòi lòi, người đặt bẫy dùng chân phá nùi rọ. Lúc phá nùi rọ, nhờ nước từ hang trào lên trên sẽ phát hiện ngách được ngụy trang khéo léo bằng lớp bùn mỏng. Xong hai công đoạn đó, người đặt bẫy đưa chà di vào sâu trong miệng hang chừng 20cm, dùng bùn trám kín và chờ chừng 30 phút. Do khoang chứa oxy bị mất và cửa chính, cửa hậu bị bịt kín nên cá sẽ bò lên miệng hang rồi chui tọt vào chà di. Công phu là vậy - nhưng không phải lúc nào cũng bẫy được cá. Bởi đầu chà di nếu cột không kín, không khí vẫn lọt vào được thì cá chỉ bò lên tới miệng hang rồi nằm ở đó thở. Chờ người bẫy hết kiên trì lấy bẫy đi thì cá tung tăng... đào hang mới!

Nhiều người ở quê tôi xem việc bắt cá thòi lòi là một nghề mưu sinh. Với giá 40.000 đồng/kg và trọng lượng trung bình mỗi con 200gram nên người đi săn cá lành nghề ngày kiếm vài kg là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, những người nuôi tôm quảng canh lại xem cá là một người bạn. Trừ việc bắt cá để đãi khách quý thì ngày thường cá thòi lòi được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Buổi tối, cá thòi lòi nằm sát mé vuông tôm. Chỉ cần có người xuống vuông mò trộm tôm, cua thì chủ vuông dễ dàng phát hiện bởi tiếng khua nước inh ỏi từ những “anh hùng” này!

Thịt cá thòi lòi dẽ, ngọt nên ăn không bao giờ biết ngán. Cá thòi lòi được chế biến đủ các món: từ nấu canh chua với bần, nướng trui ăn kèm mắm tôm đến kho khô tiêu đều ngon đáo để. Dì Năm tôi nói cá thòi lòi rất tốt cho các sản phụ. Cái món này bổ như giò heo hầm đu đủ nhưng không có mỡ màng. Tôi thì thích ăn cá thòi lòi nướng cùng mắm tôm. Các vị quê có đủ đầy trong đó. Vị thơm lừng của cá nướng trên củi đước, củi bần thắm đượm tình quê. Vị cay, mặn, giòn của mắm tôm trộn đu đủ ăn kèm rau sống luôn làm nỗi nhớ quê dạt dào dẫu đã về phố lớn. Giữa cuộc sống bộn bề thèm những ngày thong thả được về quê để lòng mình lắng lại, ăn một miếng cá ngọt ngào thấy bớt khát nỗi nhớ quê. Lại nhớ lời dượng Năm lần nào tôi đi cũng dặn “Xa quê ráng cố gắng học hành. Ra đời nhớ sống có tình có nghĩa nghen con!”.

***

Nắng chiều dần buông. Phía bên kia cánh rừng nhiều thanh niên cùng tuổi tôi đang tất tả ôm chà di về nhà sau một ngày lặn ngụp. Chợt thấy mình hạnh phúc. Nếu ngày xưa nhà nghèo mà lười học chắc giờ tôi cũng mưu sinh bằng nghề bẫy cá thòi lòi chứ đâu như bây giờ. Càng thấy sung sướng bao nhiêu lại thấy nặng ơn với dì dượng, nặng nợ với mẹ cha bao năm lăn lộn khắp cánh rừng ngập mặn nuôi con ăn học thành tài. Bây giờ ở xa, tôi luôn nhớ mùi quê nhà mình: nó hăng hắc mùi bùn non, tanh tanh mùi quê biển và đậm đà như miếng cá thòi lòi nướng chan chứa tình thương!

KHANG MINH

Chia sẻ bài viết