13/06/2013 - 08:21

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Thực hiện đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 12-6, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố; biểu quyết thông qua Luật phòng, chống khủng bố.

Trong phiên làm việc tại hội trường buổi sáng, dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 89,76% số đại biểu tán thành. Theo đó, Luật Phòng, chống khủng bố quy định rõ về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.

Bắt đầu từ chiều 12-6, Quốc hội khóa XIII tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn.

Tại Kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các Bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề: Biện pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm; trách nhiệm và giải pháp trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về giá cả và chất lượng của cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nêu lên những hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay như sản xuất không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ, giá vật tư tăng cao, bị cạnh tranh gay gắt...làm người sản xuất không có lãi, bị "lỗ kép" bởi doanh thu giảm nhưng chi phí tăng, các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)...đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp hỗ trợ cụ thể, trực tiếp hơn nhằm khắc phục khó khăn, nông dân thoát nghèo, yên tâm sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giải pháp quan trọng có tính chất đột phá, giải quyết được một cách căn cơ những tồn tại hiện nay là triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Một mặt, Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giữ giá cho nông dân; mặt khác, chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua vật tư; duy trì đàn gia súc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, các giải pháp nằm trong Đề án tái cơ cấu, vừa hỗ trợ trực tiếp vừa đầu tư vào các nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ như nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp cải tiến giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp người nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả. "Rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước cho khu vực nông thôn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp: Giám sát, quyết liệt chống và đến nay đã cơ bản khống chế dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, lở mồm long móng; tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn và con giống để chất lượng tương xứng đồng tiền, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và địa phương kiểm soát buôn lậu gia cầm. Bộ trưởng nêu rõ: Nhằm khắc phục và tạo chuyển biến mạnh mẽ về lâu dài, Bộ đang rà soát cơ cấu lại ngành chăn nuôi, xác định loại gia súc phù hợp nhất đối với các tiểu vùng; tập trung giải quyết khâu giống; khuyến khích phương thức chế biến thức ăn công nghiệp hoặc kiểu công nghiệp. Đồng thời, rà soát quy hoạch, khuyến khích phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm giá; phổ biến cách thức chăn nuôi tiến bộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp để đạt hiệu quả hơn...nhằm giảm giá thành chăn nuôi để trong điều kiện khó khăn, người nông dân vẫn có lãi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về giải pháp nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trước tình hình chất lượng nông sản còn thấp so với một số nước trong khu vực, dẫn đến ứ đọng, khó tiêu thụ khiến nông dân dù đã cố gắng vẫn không thoát nghèo, Bộ trưởng khẳng định: Tập trung nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản là nhiệm vụ chính của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Để đạt được yêu cầu này, cần có bộ giống tốt, hệ thống cơ sở hạ tầng tương thích giúp nông dân sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng an toàn thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề lĩnh vực sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn yếu kém, một số đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, vẫn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không kiểm soát được giá cả…và yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thuốc bảo vệ thực vật hiện được bán tràn lan, không đảm bảo chất lượng, một số nơi dùng thuốc vượt quá quy định, làm lương thực, thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện là vấn đề bức xúc mà biện pháp chính là xây dựng hành lang pháp lý. Do nước ta không có nguồn kali nên phải nhập hầu hết phân kali; mới chỉ sản xuất được khoảng ½ nhu cầu phân phốt pho và tự chủ được khoảng 2/3 phân đạm. Về thuốc bảo vệ thực vật, nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu; vắc-xin cúm gia cầm, heo tai xanh vẫn phải nhập khẩu. Hiện nay đã có Pháp lệnh về bảo vệ, kiểm định thực vật. Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ ban hành thông tư, xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật, củng cố hệ thống quản lý thuốc cũng như các loại vật tư; thường xuyên kiểm tra sản phẩm, cơ sở sản xuất, đấu tranh với buôn lậu (phần lớn thuốc và vật tư giả trên thị trường có nguồn gốc từ buôn lậu), xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. 61 tỉnh, thành phố đã tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh 10 mặt hàng vật tư nông nghiệp chủ lực; lên danh sách đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu; xếp hạng, kiến nghị đình chỉ sản xuất cơ sở không đạt yêu cầu; xử lý vi phạm hành chính, nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc này "cần sự nỗ lực đồng bộ" - Bộ trưởng chia sẻ.

Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến: Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; biện pháp tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; giải pháp xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra…

Sáng 13-6, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ bài viết