03/05/2018 - 15:31

Bất bình đẳng trong hưởng thụ không khí trong lành 

Ngày 2-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho thấy tình trạng bất bình đẳng trong việc chịu đựng không khí ô nhiễm giữa nước nghèo và nước giàu đang nới rộng và mỗi năm có khoảng 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí.

New Delhi bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: AFP

Báo cáo cung cấp dữ liệu về chất lượng không khí tại hơn 4.300 thành phố và thị trấn ở 108 quốc gia, tăng hơn 1.000 thành phố so với báo cáo năm 2016. Theo đó, 9 trong số 10 người trên hành tinh này đang sống chung với không khí chất lượng kém, thậm chí nguy hiểm. Hơn 90% trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, chủ yếu tại châu Á và châu Phi. Lần đầu tiên báo cáo đưa ra các dữ liệu lịch sử của khu vực, trong đó hơn 57% thành phố ở châu Mỹ và 61% thành phố tại châu Âu chứng kiến sự sụt giảm nồng độ các hạt bụi mịn có đường kính từ 2,5- 10 micrômét (PM10) và dưới 2,5 micrômét (PM2,5) trong không khí trong giai đoạn 2010-2016.

Tuy nhiên, những tiến bộ này trái ngược với xu hướng ngày càng tệ ở những vùng khác. Cụ thể, khu vực Nam Á và Đông Nam Á có hơn 70% thành phố nghèo chịu đựng chất lượng không khí ngày càng đi xuống. Cơ sở dữ liệu của WHO cho thấy các thành phố của Ấn Độ như New Delhi, Varanasi và Patna nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nồng độ PM10 trung bình tại New Delhi và Cairo của Ai Cập cao gấp 10 lần so với mức độ an toàn của WHO. Xếp sau hai thành phố này là Dhaka (Bangladesh), Mumbai (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trung Đông cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi không khí ô nhiễm. Trong khi đó, châu Mỹ, chủ yếu là Mỹ và Canada, là khu vực duy nhất mà phần lớn người dân (80%) hít thở không khí được cho đáp ứng tiêu chuẩn về các hạt bụi mịn của WHO.

Trong báo cáo trên, nhóm tác giả cho rằng các chất ô nhiễm phát thải từ khói xe hơi, nhà máy, đốt củi và các nguồn khác gây ra 25% ca đau tim và đột quỵ chết người, 29% trường hợp tử vong do ung thư phổi và 43% ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Về ô nhiễm không khí trong nhà - thủ phạm gây ra cái chết cho 3,8 triệu người mỗi năm, khoảng cách giữa người giàu và nghèo cũng rộng ra vì các hộ gia đình ở những quốc gia nghèo khó ngày càng phụ thuộc vào củi, than và dầu hỏa để nấu nướng và sưởi ấm. Theo WHO, điều đáng lo là hơn 40% dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận được nhiên liệu sạch (điện và khí đốt) và công nghệ để nấu nướng. “Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng đáng kể từ gánh nặng này”- Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. 

 THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết