16/01/2022 - 14:38

Bảo vệ người già, bệnh nền trước nguy cơ mắc COVID-19 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số ca tử vong do COVID-19, bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này là rất cần thiết. 

Nhân viên y tế tiêm ngừa COVID-19 cho người cao tuổi. 

Những nguy cơ

Ông H, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị tai biến nhẹ, tuổi cao nên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ông cẩn thận không ra khỏi nhà. Khi những hộ dân sống gần nhà bị nhiễm COVID-19, cả nhà ông H đều xét nghiệm nhưng không ai nghĩ ông có nguy cơ bị nhiễm nên không lấy mẫu xét nghiệm. Ðến khi ông khó thở, đưa đi cấp cứu mới phát hiện ông đã nhiễm COVID-19. Bệnh tiến triển rất nhanh, dù tích cực cứu chữa nhưng ông không qua khỏi.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong số ca mắc COVID-19 tại nước ta chỉ có 6% là bệnh nhân nặng; 8,3% ở mức trung bình; tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%. Qua phân tích số ca tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm 47,67% là người có bệnh nền; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 tuổi là 15,34%; nhóm từ 0- 17 tuổi là 0,42%.

Trong điều kiện bình thường mới, những người trong độ tuổi lao động thường đi ra ngoài làm việc, sinh hoạt, giao tiếp xã hội, vô tình mắc COVID-19 và đem virus về nhà. Hiện nay, để bảo vệ người nguy cơ trong gia đình, nhiều gia đình có những giải pháp như: tiêm ngừa vaccine phòng bệnh cúm, vaccine phòng COVID-19; hạn chế tụ tập, đến nơi đông người; tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, điều trị ổn định bệnh nền… Anh V.V.T, ở đường Nguyễn Văn Linh chọn giải pháp test định kỳ, đeo khẩu trang thường xuyên vì công việc của anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, sợ mang virus về cho vợ đang mang thai và mẹ vợ sống cùng nhà đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền.

Xét nghiệm định kỳ, phát hiện sớm bệnh

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, y tế cơ sở cần tiếp tục rà soát tiêm vaccine cho người già, người có bệnh nền, tổ chức đội tiêm hỗ trợ tại nhà cho người gặp khó khăn khi di chuyển. Hiện nay còn người chưa tiêm vaccine do e ngại tai biến, tác dụng phụ của vaccine; do lớn tuổi, bệnh nền nhiều không dám tiêm. Vì vậy, nhân viên y tế cần tuyên truyền, hướng dẫn người cao tuổi, bệnh nền, xét nghiệm COVID-19 định kỳ để phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao hơn.

UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 12-1-2022 về quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổ chức rà soát lập danh sách thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ và phê duyệt danh sách nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn; áp dụng nền tảng hồ sơ Sức khỏe điện tử để quản lý theo dõi tình trạng sức khỏe, tình trạng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đảm bảo tiêm chủng đủ liều, tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều. Ðồng thời, rà soát, lập danh sách tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho những người sống chung gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ.

Người thuộc nhóm nguy cơ và những người sống chung trong gia đình cần biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người trong trường hợp không cần thiết. Thông báo với cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán điều trị sớm. Khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác, mất khứu giác… thì liên hệ ngay đến số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế, Sở Y tế hoặc mạng lưới thầy thuốc đồng hành (0292 1022, nhánh 3). Ðồng thời tiến hành khai báo theo đường linh https//theodoitainha.cantho.gov.vn.

Người thuộc nhóm nguy cơ cao: bệnh đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác; ung thư, đặc biệt là khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác; bệnh thận mãn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh bao gồm sa sút trí tuệ; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh hen suyển; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn sử dụng chất gây nghiện; sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các loại bệnh hệ thống; các bệnh nền của trẻ em.

Nhóm nguy cơ khác: người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai.

 

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết