13/02/2011 - 08:31

Bảo vệ môi trường - Cần sự đồng thuận

Nước thải từ KCN Trà Nóc 1 thải trực tiếp ra sông Hậu.

Cảnh báo về biến đổi khí hậu, các vấn nạn ô nhiễm môi trường đã và đang tác động không nhỏ đến cuộc sống con người. Đối với TP Cần Thơ, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự đô thị đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.

* Báo động ô nhiễm

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm thực hiện các biện pháp cải tạo và phục hồi dần chất lượng nước, một số dự án nâng cấp đô thị được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước mặt đang có chiều hướng suy giảm. Thành phố có 12 kênh rạch có nguy cơ ô nhiễm cao, hàm lượng DO rất thấp và không đạt chuẩn như: rạch Tham Tướng, rạch Ba Láng, rạch Bò Ót, kênh Đứng... Hai khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 có lượng nước thải trung bình là 12.000m3/ngày đêm, nhưng vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, gây nhiều bức xúc cho người dân. Chị Lê Uyên Phương, một người dân sinh sống gần KCN Trà Nóc 1, cho biết: “Hằng ngày, mùi hôi bốc ra từ KCN ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của bà con xung quanh đây. Gia đình tôi bán quán cơm, nên mỗi lần mùi hôi xộc lên là khách hàng không ăn uống gì được. Khách quen còn thông cảm, chứ như khách vãng lai nghe mùi hôi lại nghĩ rằng quán bán thức ăn ôi thiu...”.

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ: “Cuối tháng 12 - 2010, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố đã tiến hành lấy mẫu phân tích nước thải của 29 nhà máy. Trong đó, chỉ có 3 nhà máy xử lý đạt tiêu chuẩn loại A, số còn lại đều không đạt. Hiện tại, ngành chức năng đang tiến hành phân tích mẫu của 26 nhà máy chưa đạt để có hướng hỗ trợ, hướng dẫn các nhà máy xử lý nước thải tại chỗ trước khi thải ra môi trường phải đảm bảo đạt từ loại B trở lên. Đối với những nhà máy không có hệ thống nước thải tại chỗ, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố dứt khoát không cho hoạt động”.

Cùng với sự ô nhiễm nguồn nước và không khí thì lượng chất thải rắn cũng là mối đe dọa lớn. Theo ước tính, mỗi ngày thành phố thải ra 756 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tăng 14 tấn/ngày so với cùng kỳ năm 2009. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là chất dễ phân hủy chiếm tỷ lệ 76,6%, nhựa cao su chiếm 7,6%, chất thải độc hại 0,3%... Đối với chất thải rắn y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thu gom 2 lần/tuần, với lượng chất thải 1.000-1.400 kg/ ngày. Trong đó, có 50% lượng chất thải được xử lý bằng lò đốt y tế đạt tiêu chuẩn, số còn lại bán cho các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, lượng rác thải từ các đơn vị y tế tư nhân và phòng mạch tư hiện chưa được thu gom, xử lý mà trộn lẫn với các chất thải rắn sinh hoạt và được thu gom bởi Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ.

Năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 7 cuộc thanh tra chuyên ngành ở lĩnh vực môi trường tại 36 doanh nghiệp trên địa bàn và phát hiện 4 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 136 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, xử lý vi phạm hiện nay gặp không ít khó khăn do mức xử phạt chưa đủ răn đe, chưa ban hành quy chuẩn về khí thải tại nguồn, chưa có biện pháp quản lý hiệu quả các nguồn thải từ đô thị, sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

* Cần sự đồng thuận

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà máy xử lý nước thải cho KCN Thốt Nốt có công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 69 tỉ đồng do Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt làm chủ đầu tư dự kiến sẽ khởi công vào cuối quý I/2011, phấn đấu đến quý I năm 2012, nhà máy sẽ đi vào vận hành chính thức. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 2.500m3 cùng hệ thống thu gom cho cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đối với nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư, công suất 12.000m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 175 tỉ đồng. Dự án hiện đang chờ UBND thành phố phê duyệt để tiến hành khởi công vào cuối quý II/2011. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 6.000m3/ngày, đêm, cùng hệ thống thu gom của cả hai giai đoạn, kinh phí đầu tư 110 tỉ đồng, thời gian thi công từ 12 đến 14 tháng”.

Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, sắp tới Sở sẽ thường xuyên phối hợp với ngành y tế kiểm tra việc thu gom, xử lý rác thải y tế, đảm bảo 100% lượng rác thải y tế được thu gom và xử lý đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, khẩn trương xây dựng “Chiến lược bảo vệ môi trường năm 2011 và định hướng đến năm 2020” của thành phố, trọng tâm là quản lý các nguồn thải từ các KCN, khu dân cư, bệnh viện và vùng nuôi thủy sản. Hiện nay, vấn đề cấp bách là chọn vị trí xây dựng khu xử lý nước thải nguy hại tập trung của thành phố, quy hoạch các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho thành phố và các quận, huyện. Bởi các loại chất nguy hại trong các hoạt động công nghiệp, y tế, phòng thí nghiệm chưa có nơi chuyên biệt để xử lý. Năm 2011 được TP Cần Thơ chọn là năm “Trật tự, kỷ cương đô thị”, vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn và xử lý ô nhiễm đi đôi với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ môi trường sẽ góp phần để TP Cần Thơ thực hiện tốt chủ đề của năm 2011 và hướng tới xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết