Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức chuyến khảo sát thực địa và buổi tọa đàm tư vấn bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Bảo Tiền. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đều đánh giá rất cao giá trị của di tích, vừa là chứng tích của công cuộc giữ đất, vừa là dấu tích kiến trúc liên quan đến thành cổ ở Nam Bộ.
Đại biểu xem mô hình tái hiện Bảo Tiền do nhóm sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp thực hiện, từ việc tổng hợp nhiều nguồn tư liệu Sử học, khảo cổ. Ảnh: DUY KHÔI
Qua các chuyến khảo sát thực địa, thu thập tư liệu, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã tìm thấy phế tích hai tòa thành kiểu Vauban ở xã Long Thắng và Định Hòa (huyện Lai Vung), người dân địa phương gọi là Bảo Tiền, Bảo Hậu.
Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, lý giải: Theo binh chế triều Nguyễn, thành có quy mô lớn, xây dựng kiên cố, quân binh đông, trang bị mạnh, thường là nơi đặt trụ sở cơ quan cai trị, trong đó, tỉnh thành tức thành cấp tỉnh (ví dụ: tỉnh thành Châu Đốc, tỉnh thành Mỹ Tho là nơi đặt trị sở của tỉnh An Giang, tỉnh Định Tường). Bảo có quy mô nhỏ hơn, do quân binh đóng giữ, bảo vệ những vị trí xung yếu. Ví dụ Bảo An Lạc án ngữ đầu nguồn sông Tiền, Bảo Thông Bình giữ tuyến sông Tân Thành trên vùng biên giới Hồng Ngự ngày xưa, hay có một số bảo lớn gọi là Đại Bảo, tiêu biểu là Vĩnh Thông Đại Bảo ở kinh Vĩnh Tế.
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực địa tại di tích Bảo Tiền. Ảnh: DUY KHÔI
Một tài liệu quan trọng có nhắc đến Bảo Tiền là bài báo tiếng Pháp “Les anciennes citadelles annamites de la Cochinchine” (Thành lũy cổ của người An Nam ở Nam Kỳ), đăng trên tờ L’Écho Annamite, ngày 8-2-1926 của Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố. Cụ Nguyễn Văn Tố là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bài báo này được viết khi cụ còn làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ. Bài báo có đoạn: “Sau khi quân đội Pháp chiếm Biên-hòa, Gia-định, Định-tường (tên cũ của tỉnh Mỹ-tho và Vĩnh-long), một vị quan ở An-giang (Châu-đốc) được triều đình Huế hạ lịnh phải xây hai kho - pháo đài để tồn trữ những yếu phẩm của các tỉnh một cách an toàn và cũng để tồn trữ thực phẩm phòng khi bất trắc. Do đó, hai bảo được xây dựng, một ở làng Long-thành (Sadec) gọi là Bảo-Tiền, và một ở làng Định-hòa (Cần-thơ) gọi là Bảo-Hậu. Các công trình này là các tòa nhà hình vuông được xây bởi các thợ nề, nhưng ngày nay chỉ còn lại những phế tích khó nhận ra. Chúng đôi khi được dùng làm nơi ẩn náu cho quân đội và dân quân An Nam kháng cự lại quân đội Pháp”.
Qua những chuyến khảo sát thực địa, các nhà nghiên cứu đã xác định Bảo Tiền là một tòa thành kiểu Vauban hiện ở xã Long Thắng, huyện Lai Vung, diện tích khoảng 15.000m2. Chân tường thành còn nguyên vẹn với 4 pháo đài, rộng khoảng 4-5m, cao hơn 0,5-1m so với mặt ruộng hiện hữu, đắp bằng đất nện, gia cố bằng một lớp gạch nung. Hào hộ thành rộng khoảng 8-10m, sâu khoảng 4-5m, đã bị san lấp, nay còn lại một đoạn ngắn được người dân làm ao cá. Ngoài ra, quá trình thăm dò khảo cổ học tại Bảo Tiền, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số hiện vật thế kỷ XVII-XIX như ghè sành, mảnh chén, cọc gỗ và 5 viên gạch có khắc chữ: Đinh Tứ, Đinh Bát, Đinh Cửu, là loại gạch do các đơn vị quân đội tạo tác theo quy thức từ thời vua Minh Mạng trở về sau.
Di tích Bảo Tiền hiện tại nhìn từ trên cao, với các điểm quan trọng được chú thích. Ảnh: Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp cung cấp
Bảo Hậu cũng là tòa thành kiểu Vauban với 4 pháo đài ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung. Chân tường thành đắp bằng đất nện, mỗi cạnh dài khoảng 76m, chu vi khoảng 304m, rộng khoảng 5m, cao hơn mặt ruộng hiện hữu khoảng 1m, nền pháo đài và hào hộ thành đã bị lấp hết. Ngoài ra, di tích còn có hệ thống phòng thủ ngoại vi, gồm đồn binh bên bờ sông Hậu án ngữ hai cản đá hàn (người địa phương gọi là “đá nổi”) và bốn cản chặn các thủy lộ chính vào Bảo Tiền, Bảo Hậu. Công trình liên quan còn có một gò đắp đất để cúng tế khi khởi công đắp bảo (gọi là Thổ sơn) và trường bắn.
Gửi tham luận đến tọa đàm, PGS.TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) thống nhất với nhận định của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp khi cho rằng: Bảo Tiền và đồn binh bên bờ sông Hậu được đắp vào năm 1861, hoàn thành và đầu năm 1862, do Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn chỉ huy xây đắp và trấn giữ. Bảo Tiền là hệ thống công trình kiên cố, quy mô, kết nối với thành Châu Đốc trên thượng nguồn giáp giới với Chân Lạp, bảo vệ tuyến sông Hậu, sẵn sàng ứng chiến khi quân Pháp mở rộng chiến tranh qua An Giang, Hà Tiên. Bảo Tiền, Bảo Hậu còn giữ vai trò một trung tâm chỉ huy, hỗ trợ các nhóm nghĩa quân đang hoạt động mạnh ở tỉnh Định Tường, chi viện súng, pháo, thuốc đạn trích từ kho ở Bảo Tiền. Đây là luận điểm quan trọng vì có thể làm thay đổi các nhận định trước đây về cuộc kháng Pháp ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, nhất là vấn đề vai trò và trọng trách của triều Nguyễn đối với việc mất nước nửa cuối thế kỷ XIX.
PGS.TS Trần Thị Mai (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) nhận định: Bảo Tiền có thể nằm trong hệ thống căn cứ quân sự được xây dựng vào thời vua Tự Đức chứ không phải trong thời kỳ chúa Nguyễn Ánh còn bôn tẩu ở Nam Bộ. Bảo Tiền cùng với Bảo Hậu và hệ thống phòng thủ ngoại vi nằm trong hệ thống căn cứ chống Pháp có mối quan hệ với nhau và có thể có những hỗ trợ của triều đình nhà Nguyễn trong việc chỉ đạo, hỗ trợ xây đắp.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính độc đáo của di tích Bảo Tiền trong xu hướng nghiên cứu thành cổ trong nước, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: Bảo Tiền là di tích thành cổ kiểu Vauban của Pháp được xây dựng thông qua sự tiếp xúc với phương Tây, là di tích khá hiếm hoi còn tồn tại cho đến ngày nay trong cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng. Theo PGS.TS Trần Đức Cường, di tích Bảo Tiền vừa mang tính chất đồn binh, tòa thành vừa là căn cứ hậu cần, có thể được xem là cụm di tích gắn liền với toàn bộ hệ thống phòng thủ trung tâm và ngoại vi…
Ở góc độ khảo cổ học, TS Lương Chánh Tòng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Thông qua việc thu thập các hiện vật, tìm thấy sau đợt thám sát năm 2018, đáng chú ý là các viên gạch có khắc chữ, qua nghiên cứu bước đầu có thể nhận định: đây là loại gạch vồ dài 33cm, ngang khoảng 18cm, dày 7-8cm, một đầu có khắc chữ Hán theo hệ Can - Chi quy định loại gạch (Giáp là loại I, Ất là loại II, Bính là loại III, trong từng loại có nhiều kiểu loại khác nhau…). Loại gạch này được ghi chép, quy định trong điển chế, nguồn gốc không phải do nghĩa quân sản xuất mà là gạch của triều đình chế tác tại Gia Định thời bấy giờ. Vì vậy, đặt ra giả thuyết là có thể việc xây dựng Bảo Tiền vừa là căn cứ quân sự của nghĩa quân, trước đó có thể là đồn thủ quân sự của triều đình. TS Lương Chánh Tòng nhấn mạnh, Bảo Tiền là một dấu tích kiến trúc liên quan đến thành cổ ở Nam Bộ còn giữ được, ít chịu tác động bởi môi trường tự nhiên và xã hội, có thể phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu kiểu thành Vauban, cách thức tổ chức của một căn cứ quân sự trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở địa phương và Nam Bộ.
Về định hướng nghiên cứu sắp tới, các chuyên gia, nhà khoa học cũng lưu ý nhiều vấn đề quan trọng. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: Cần tập trung nghiên cứu các tư liệu ghi chép về thời chúa Nguyễn, tư liệu dân gian nhằm bổ trợ có hiệu quả cho công tác nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ và toàn diện về di tích Bảo Tiền. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ban đầu về di tích này, áp dụng phương pháp khảo cổ hiện đại vào việc thám sát, khai quật di tích dưới sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn. GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Kim (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Di sản quốc gia) nhấn mạnh: Việc nghiên cứu về Bảo Tiền có thể tham khảo kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu cùng loại ở miền Trung, tiêu biểu là thành Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Thời gian tới, cần tập trung vào 3 nội dung chính: niên đại xây dựng của Bảo Tiền, Bảo Hậu; mối quan hệ giữa Bảo Tiền, Bảo Hậu với hệ thống phòng thủ ngoại vi, nhất là về mặt không gian; vai trò, chức năng của Bảo Tiền ở vùng đất Đồng Tháp và Nam Bộ qua các thời kỳ lịch sử. Ở khía cạnh khác, TS Huỳnh Vĩnh Phúc (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) định hướng: Để nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về di tích, cần đặt Bảo Tiền trong mối quan hệ qua lại với hệ thống phòng thủ quân sự ở Nam Bộ (đồn, tấn, bảo, thành…) và ở địa phương gắn với toàn bộ tiến trình bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ để làm rõ vị trí, vai trò quân sự của di tích. Đặc biệt, cần tiến hành khảo sát, khai quật di tích một cách bài bản, quy mô hơn, đặc biệt là áp dụng phương pháp nghiên cứu hạt nhân, đo lượng phóng xạ để xác định niên đại chính xác của di tích. Việc nghiên cứu dựa trên phương pháp Khảo cổ học chuyên sâu sẽ cung cấp những kiến thức, hiểu biết quan trọng về lịch sử, kỹ thuật quân sự của dân tộc.
* * *
Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, cho biết Hội sẽ tổng hợp ý kiến tư vấn của các chuyên gia, đề xuất với UBND tỉnh Đồng Tháp cho chủ trương sớm xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh đối với thành cổ Bảo Tiền.
ĐĂNG HUỲNH