Bảo tàng TP Cần Thơ là một trong những địa chỉ quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Óc Eo với nhiều tư liệu, hiện vật quý được lưu trữ, trưng bày trong nhiều năm.
Năm nay tròn 70 năm phát hiện Văn hóa Óc Eo (nền văn hóa cổ tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII sau công nguyên) kể từ khi nhà khảo cổ học người Pháp - Louis Malleret tiến hành khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật tại gò Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vào năm 1944 (các hiện vật được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Blanchard de La Brose, nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh). Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện hàng trăm địa điểm thuộc nền văn hóa Óc Eo phân bố khắp khu vực Nam bộ. Trong đó có Di chỉ khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Năm 1990 Bảo tàng tỉnh Hậu Giang (nay là Bảo tàng thành phố Cần Thơ) kết hợp với các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm một số hiện vật của người dân lúc đào mương làm vườn thu lượm được, đồng thời đào thám sát, thăm dò khảo cổ học ở một số địa điểm đã phát hiện có hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo. Nhờ đó gần 2.000 hiện vật có giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa
được khai quật, lưu giữ tại Bảo tàng. Số lượng hiện vật tuy không nhiều nhưng rất phong phú về loại hình cũng như chất liệu và kỹ thuật chế tác.
Học sinh tham quan gian trưng bày Văn hóa Óc Eo.
Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã tạo cơ sở pháp lý để tiến hành phân loại, xây dựng và hoàn thiện các bộ sưu tập: Sưu tập đồ gia dụng bằng đất nung, sưu tập đèn Óc Eo, Sưu tập khuôn đúc - đồ trang sức, Sưu tập bàn - chày nghiền, sưu tập tượng thờ... Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều cột gỗ nhà sàn được chạm trổ rất tinh xảo. Đặc biệt, thuyền độc mộc - phương tiện đi lại chủ yếu trên kênh rạch của cư dân Óc Eo cũng được tìm thấy. Trên cơ sở đó, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu cho rằng đây là một di chỉ cư trú của cư dân Óc Eo với đời sống sinh hoạt rất phong phú, từ sản xuất gốm, làm nghề thủ công đúc đồ trang sức. Đời sống tinh thần cửa cư dân cổ đa dạng với hai tôn giáo phát triển là Phật giáo và Bà la môn giáo. Tín ngưỡng thờ Linga Yoni (sinh thực khí) thể hiện mong ước sinh sôi phát triển. Đây là tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Từ di chỉ Nhơn Thành, có thể hình dung một giai đoạn lịch sử, một nền văn hóa cổ đã từng tồn tại trên vùng đất Cần Thơ xưa. Vì vậy, Bảo tàng thành phố đã có nhiều biện pháp bảo tồn lâu dài, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học vừa phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu về đất và người Cần Thơ. Các chuyên viên của Bảo tàng tiến hành phân loại hiện vật theo chất liệu để bảo quản theo chế độ riêng biệt, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phòng chống côn trùng gây hư hại hiện vật
Năm 1995, Bảo tàng đã thực hiện sách "Những hiện vật văn hóa Óc Eo ở Bảo tàng tỉnh Cần Thơ" giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu. Bên cạnh đó, nhiều bài viết về hiện văn hóa Óc Eo cũng được in trên phương tiện thông tin báo chí, tạp chí chuyên ngành.
Năm 2001, Bảo tàng thành phố được xây dựng mới và có nhiều chủ đề trưng bày, trong đó chủ đề Văn hóa Óc Eo được đặt tại gian "Cần Thơ - Đất nước - Con người", giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu của Văn hóa Óc Eo: Tượng thần Visnu bằng đá, tượng Phật và bàn tay Phật bằng gỗ, bộ khuôn đúc đồ trang sức, vò, bình bằng gốm đất nung, cọc gỗ nhà sàn... Ngoài ra, còn có nhiều chuyên đề được tổ chức như: "Sưu tập Cổ vật, Di vật tiêu biểu tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ" giới thiệu những hiện vật tiêu biểu đang được lưu giữ tại đây, trong đó có hiện vật của nền Văn hóa Óc Eo; kết hợp với Câu lạc bộ Sưu tập Cổ vật Cần Thơ trưng bày chuyên đề "Cổ vật trên đất Tây Đô"
Kỷ niệm 60 năm phát hiện Văn hóa Óc Eo (1944 2004) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh) kết hợp với 12 Bảo tàng ở Nam bộ trưng bày chuyên đề "Cổ vật Văn hóa Óc Eo" trong đó có hiện vật văn hóa Óc Eo của thành phố Cần Thơ. Sau đó chuyên đề này được chuyển ra Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội, tiếp tục giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước.
Những cuộc trưng bày về hiện vật văn hóa Óc Eo tại Cần Thơ đã tạo tiếng vang trong giới nghiên cứu và được sự quan tâm các các ngành các cấp trong thành phố. Nhờ đó từ năm 2011 đến 2013 Bảo tàng thành phố Cần Thơ kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ được cấp kinh phí thực hiện đề tài "Nghiên cứu, thăm dò, khai quật di chỉ Khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ". Đề tài đã làm rõ tính chất đô thị sông nước thuộc không gian văn hóa Óc Eo tiểu vùng Ô Môn Phụng Hiệp của di chỉ Nhơn Thành. Không gian phân bố rộng 56 héc-ta của di chỉ cũng được xác lập, hệ thống và phân loại 37.000 hiện vật được khai quật từ di chỉ Nhơn Thành từ những năm 1990 đến nay, xác định trình độ phát triển, tính bản địa và duy nhất của của di chỉ. Trên cơ sở đó, hiện nay Bảo tàng thành phố Cần Thơ tiến hành thực hiện các thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xếp hạng Di chỉ khảo cổ học là di tích cấp thành phố.
Bài, ảnh: Hùng Quân