17/08/2008 - 23:21

Báo động tình trạng quá tải khám chữa bệnh tại các bệnh viện (kỳ 2)

Xem bài 1: Mỏi mòn chờ khám bệnh

Bài 2: Các bệnh viện giảm tải bằng cách nào?

Nhóm phóng viên XH-PL

Việc quá tải ở các bệnh viện (BV) thực sự đáng báo động. Để giải quyết tình trạng này, ngành y tế và tự thân các BV đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực: tổ chức khám bệnh sớm, tăng cường bác sĩ khám bệnh những ngày đầu tuần… đặc biệt sự ra đời hàng loạt các BV tư cũng góp phần không nhỏ giảm tải ở các BV công.

Bệnh viện tư “ghé vai gánh vác”

Cuối năm 2007, hai BV tư nhân là Bệnh viện Đa khoa Tây Đô (BVĐKTĐ) và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ. Hai BV này ra đời góp phần rất lớn trong việc giảm quá tải cho các BV công. BVĐKTĐ là BV 100 giường. Bình quân khám ngoại trú 3.000 BN/tháng; điều trị nội trú 80% công suất giường bệnh. Khi BN đến cổng BV là được bảo vệ hướng dẫn đến bàn nhận bệnh. Sau đó, trong vài phút BN được hướng dẫn đến tận các phòng khám. Khi BN phẫu thuật thì được quyền chọn bác sĩ (ngay cả các bác sĩ đang công tác ở các bệnh viện lớn, có hợp đồng với BVĐKTĐ). Bình quân 1 bác sĩ ở BV chỉ khám 10-20 BN/buổi nên có điều kiện tư vấn, hướng dẫn kỹ cho BN.

BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long là BV đa chuyên khoa với 150 giường nội trú. BV có các dịch vụ: Khám điều trị bệnh cấp cứu 24/24 giờ, dịch vụ chăm sóc tại nhà, cấp cứu ngoại viện... Trung bình BV khám ngoại trú mỗi ngày 300 người, nội trú đạt 50% công suất BV (tức 150 giường).

Mặc dù tiền khám ngoại trú ở các BV tư so với các BV công cao hơn 6 lần (khám thường) và cao hơn 1,5 lần (khám theo yêu cầu); tiền giường nội trú cao hơn từ 2-3 lần. Nhưng lượng BN đến ngày càng đông. Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó giám đốc BVĐKTĐ cho biết: “BV tư ra đời không những góp phần giảm quá tải ở các BV công mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. BV công, tư sẽ cạnh tranh nhau về chất lượng phục vụ, điều trị và BN được hưởng lợi ích từ những cạnh tranh đó. Ngoài ra, trong lĩnh vực chuyên môn, ngoài việc khám, chẩn đoán đúng bệnh, ra toa chính xác thì vai trò tư vấn, hướng dẫn cực kỳ quan trọng giúp BN tuân thủ điều trị tốt hơn”.

Bệnh nhân được điều dưỡng đưa đến tận phòng khám bệnh. Ảnh chụp tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. 

Hiện nay, về mặt chủ trương, Nhà nước có nhiều chính sách để khuyến khích sự ra đời của các BV tư, như miễn thuế chẳng hạn. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động BV tư cũng còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Một trong những vướng mắc đó là chưa được tham gia khám chữa bệnh cho BN bảo hiểm y tế (BHYT). Bác sĩ Nguyễn Văn Thái nói: “Hiện nay đa số người dân có thẻ BHYT. Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các BV tư đã được tham gia khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, ở hai nơi này, khi BN có thẻ BHYT đến khám ở BV tư, BN chỉ chi trả thêm phần chênh lệch giữa giá khám chữa bệnh ở bệnh viện tư và giá viện phí do Nhà nước quy định. Nhưng hiện nay ở Cần Thơ chưa có chủ trương này, chúng tôi mong Sở Y tế tác động đến Bộ Y tế để Bộ có cơ chế cho phép các BV tư ở Cần Thơ tham gia khám chữa bệnh BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bệnh và cũng là giải pháp giảm áp lực cho các BV công”.

Sắp tới đây, Sở Y tế sẽ hoàn chỉnh đề án phát triển xã hội hóa hoạt động y tế. Khi đề án này được thông qua sẽ góp phần hoàn chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ cho dịch vụ y tế tư nhân phát triển góp phần đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh.

Giảm thời gian chờ của bệnh nhân bằng cách nào?

Trong khi chờ đợi đầu tư từ Sở Y tế, thành phố thì các BV đều tự thân vận động để giải quyết một phần tình trạng quá tải. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó giám đốc BVĐKTP Cần Thơ cho biết: BV tận dụng sảnh của khoa Nội, khoa Ngoại; kê thêm 50 ghế bố cho BN nằm. Chúng tôi cũng phối hợp với BV quận, huyện khi BN điều trị ổn định thì giao về cho các BV quận, huyện theo dõi. Tuy nhiên, ông Dự cũng nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được tình trạng quá tải ở BV. BV NĐ Cần Thơ cũng thành lập khu khám bệnh theo yêu cầu để giảm áp lực cho khoa khám bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự đề xuất: Hiện nay, Sở Y tế đang xúc tiến các thủ tục để tiến hành xây dựng BV đa khoa mới (số 4-Châu Văn Liêm, vị trí cũ của BV Đa khoa Trung ương) nên việc đầu tư xây dựng mới khoa, phòng ở BV hiện nay rất lãng phí. Nhưng việc xây dựng BV mới cũng phải mất mấy năm, trong khi hiện nay các BV của thành phố đang quá tải. Chúng tôi đề xuất UBND TP và Sở Y tế đầu tư nâng cấp, mở rộng để triển khai thêm khu khám bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Trong Công văn số 371/CV-SYT ngày 29-2-2008 về việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo “Tổ chức dây chuyền tiếp đón, sàng lọc và khám bệnh khoa học, ưu tiên đối với người già, trẻ nhỏ, người có thai, người bệnh đi lại trật tự không chen lấn”. Ngoài ra, Sở Y tế cũng nhấn mạnh thời gian chờ khám bệnh trung bình của người bệnh cố gắng không quá 90 phút. Trong tháng 6-2008, Sở Y tế lại tiếp tục có công văn chỉ đạo về vấn đề này, Công văn 1031/CV-SYT nêu rõ: Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các BV thực hiện việc chẩn đoán đúng, điều trị đúng phác đồ, tiết kiệm cho người bệnh.

Theo Báo cáo 673/CV-SYT thì công suất sử dụng giường bệnh trong quí I/2008, trong 16 BV tuyến thành phố và các quận, huyện chỉ có 5 BV là công suất giường bệnh từ 100% trở lên (tức là quá tải nội trú). Tiến sĩ, bác sĩ Trần Sophia, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Theo số liệu của các BV, nhìn trên tổng thể thì đây chỉ là quá tải cục bộ, không phải quá tải kéo dài từ thứ hai đến chủ nhật. Giám đốc các BV phải chủ động giải quyết quá tải cục bộ. Chẳng hạn như khám chữa bệnh ngoại trú, chỉ xảy ra quá tải vào các ngày đầu tuần, giám đốc các BV linh động bố trí khám lệch giờ (có thể khám từ 6 giờ sáng và kết thúc sau 11 giờ) tăng thêm bàn khám, điều động thêm bác sĩ để khám bệnh cho BN. Việc quá tải nội trú cũng chỉ xảy ra cục bộ ở một vài khoa, phòng, BV có thể sắp xếp thu gọn phòng làm việc kê thêm gường cho BN nằm. Nếu do BN đông mà bác sĩ khám qua loa là sai. Trong khám bệnh, bác sĩ phải xem chất lượng khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân là quan trọng.

Về việc các BV tư chưa được khám chữa bệnh BHYT, bác sĩ Trần Sophia cho biết: “Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn phân loại các BV tư nên không phân loại BV tư được. Nếu không phân loại được thì không biết bệnh viện đó thuộc hạng nào để làm căn cứ thanh toán tiền khám chữa bệnh. Sở Y tế cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ Y tế. Bộ Y tế trả lời sắp tới Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn phân loại BV tư”.

Hiện nay, Sở Y tế cũng tập trung đầu tư nâng cao năng lực tuyến cơ sở, cụ thể đầu tư xây dựng chuẩn quốc gia ở các trạm y tế xã, phường để giảm áp lực cho các BV tuyến quận, huyện, thành phố; chấp thuận cho các đơn vị y tế hợp tác với các công ty lắp đặt các thiết bị y tế; đơn vị trực thuộc Sở Y tế được mua thiết bị trả chậm... Sắp tới sẽ có thêm 3 BV tư nhân được đầu tư xây dựng nhằm góp phần giảm áp lực BN dồn về các BV công.

* * *

Vừa qua, UBND TP đã ký quyết định phê duyệt chương trình xây dựng phát triển y tế TP Cần Thơ giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với tổng mức đầu tư từ nhiều nguồn lên đến 3.918 tỉ đồng. Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng nhiều BV hiện có và đầu tư xây dựng mới nhiều BV đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân TP Cần Thơ lẫn khu vực. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành y tế. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các bệnh viện, thì tự thân các BV vẫn phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, kịp thời giảm quá tải ở từng BV và song song đó là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

Xem bài 1: Mỏi mòn chờ khám bệnh

Chia sẻ bài viết