19/03/2016 - 08:18

Báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng và Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(CT)- Sáng 18-3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là đồ án quy hoạch xây dựng) và Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch cấp nước). Đại diện UBND, Sở Xây dựng và đơn vị cấp nước 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự.

Theo đồ án quy hoạch xây dựng, kịch bản phát triển vùng ĐBSCL đã đưa ra những đề xuất có ý nghĩa cho việc phát triển kinh tế gắn với đặc thù và nguồn lực mỗi địa phương trong vùng: các ngành kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp và kinh tế biển được chuyên biệt hóa theo các tiểu vùng; vùng ĐBSCL có thể làm giàu chính bằng một nền công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại hóa, nâng cao chất lượng đời sống đô thị và nông thôn... Tầm nhìn cho vùng ĐBSCL đến năm 2050 làm nổi bật, tạo ra các đặc trưng khác nhau và tăng cường 6 vùng sinh thái nông nghiệp với các chiến lược hướng tới tầm nhìn: phát triển vùng ĐBSCL vừa trở thành vùng sinh thái vừa là vùng sản xuất với yêu cầu cân bằng phát triển kinh tế và bảo vệ sinh thái; phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ; phát triển không gian thích ứng với nước biển dâng; tái hợp nhất với các biến động đa dạng của thiên nhiên; giao thông thủy và bộ là yếu tố đan kết ngang dọc của mạng lưới giao thông vùng. Theo ý kiến của các địa phương, đơn vị tư vấn cần rà soát các quy hoạch ngành để có sự thống nhất chung trong quy hoạch xây dựng của vùng, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, tiến trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, việc lập quy hoạch cấp nước là rất cần thiết và cấp bách. Quy hoạch cấp nước góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL; cải thiện điều kiện cấp nước an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của vùng. Theo đó, có 3 vùng cấp nước cho các tỉnh, thành ĐBSCL, gồm: Bắc sông Tiền, giữa sông Tiền và sông Hậu; Tây Nam sông Hậu và phân kỳ xây dựng các nhà máy nước vùng. Cụ thể, đến năm 2020 xây dựng 3 nhà máy nước vùng, năm 2025 xây dựng 4 nhà máy và đến năm 2030 xây dựng 5 nhà máy. Hệ thống cấp nước liên vùng, kết hợp với các nhà máy nước hiện có và xây mới tại các tỉnh, thành để cấp nước cho vùng; hạn chế sử dụng nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước mặt. Đến 2030, có 100% dân số khu vực nội thị, 90% dân số khu vực ngoại thị và 25% dân số nông thôn được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị. Định hướng đến năm 2050, nguồn nước chính là nguồn nước mặt sông Tiền và sông Hậu; nghiên cứu sử dụng thêm các nguồn nước lợ, nước mưa. Tiến tới thay thế các nhà máy nước ngầm tại các đô thị; nâng công suất các nhà máy nước liên vùng hiện có…

T. TRINH

Chia sẻ bài viết