17/08/2008 - 09:13

Bán hết đất ruộng nuôi con ăn học

Đến ấp 22, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu hỏi thầy Tuấn (Huỳnh Văn Tuấn), bà con nơi đây ai cũng biết. Ở ấp 22 này có khoảng 476 hộ với gần 800 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 người học đại học. Trong đó gia đình thầy Tuấn đã có đến 3 người. Nhưng để có “kỷ lục” này gia đình thầy Tuấn phải trải qua nhiều gian truân, thách thức...

* Ruộng đất bán sạch, 9 lần dời nhà...

Thầy Tuấn là con thứ bảy trong một gia đình có 12 người con. Cha mẹ ông là người Thừa Thiên- Huế. Cuộc sống đưa đẩy, cả gia đình mười mấy người phiêu bạt về vùng đất Bình Thuận để làm ăn. Ông Tuấn trên đường kiếm kế sinh nhai đã về tận miệt Bạc Liêu. Tới đây, ông làm đủ nghề: chạy xe đạp ôm, phụ hồ, cắt lúa mướn, làm cỏ vườn...

Thương cái tính chịu khó làm ăn và thiệt thà của chàng trai từ phương xa đến lập nghiệp, gia đình ông Nguyễn Văn Ất đã gả cô con gái cưng Nguyễn Thị Chín cho ông Tuấn (năm 1982) và ông được ở rể. Một năm sau (1983), con trai đầu lòng Huỳnh Nhật Giang ra đời, vợ chồng ông được bên ngoại cho một miếng đất nhỏ, cất căn nhà lá để ở. Vợ ông còn được cha mẹ chia cho 5 công ruộng. Nhưng hoàn cảnh vợ chồng ông lúc đó hết sức khó khăn. Vợ yếu, con bệnh tật luôn, một mình ông Tuấn lăn lộn với 5 công ruộng nhiễm phèn chua pha mặn, cấy lúa hai vụ đều èo ọt, không đủ ăn. Ba năm sau (1986), đứa con trai thứ hai là Huỳnh Nhật Hải ra đời. Rồi đến năm 1989, con gái Huỳnh Nhật Yến chào đời. Cảnh nhà càng thêm túng bấn.

Thời đó, ở ấp 22 này, ông Tuấn được xem là người có trình độ cao nhất - lớp 12/12, ở đây còn rất nhiều người mù chữ. Thương trẻ em không có trường học, thế là ông gọi mấy đứa trẻ trong xóm tới dạy học chữ. Thấy con em mình được học, biết đọc biết viết, ai cũng mừng và rất quí mến ông. Nhưng cùng cảnh nghèo nên phụ huynh học sinh cũng không có tiền đóng học phí cho thầy như bây giờ. Họ bảo nhau người cho vài lít gạo mỗi tháng, người có cá, tôm, tép, hột gà, hột vịt đều bảo con xách tới biếu thầy. Tiếng lành đồn xa, trẻ em ở các xóm khác cũng tới xin học. Tuy nghèo nhưng thầy Tuấn không bao giờ đòi tiền học phí. UBND xã thấy vậy đã xin với Phòng Giáo dục cho thầy Tuấn được ký hợp đồng để dạy vỡ lòng Tiểu học. Ba đứa con ngày càng lớn càng phải lo cho chúng ăn học. Ngẫm lại đời mình học hành không đến nơi đến chốn cũng vì nghèo, nên ông Tuấn quyết tâm làm bất cứ việc gì miễn là việc chân chính để có tiền nuôi con ăn học thành đạt.

Vợ chồng thầy Huỳnh Văn Tuấn. 

Năm 1990, khi Giang học lớp 3, Hải vào lớp 1, nhà xa, đường đi rậm rạp, phải qua nhiều mương rạch, cầu khỉ, sợ các con té ngã nên ông đã xin với nhà trường, nơi ông đang dạy hợp đồng, cho mượn tạm miếng đất bỏ trống để dời nhà đến đó. Năm 1993, thầy Tuấn lại phải dời nhà về ấp Cây Da, xã Phong Thạnh A để gần trường cháu Yến học. Năm 1995, ông lại dời nhà về ấp 3. Từ năm 1997 đến 2002, có tới 3 lần ông phải dời nhà trong phạm vi xung quanh trường, vì lúc này trường đang xây dựng. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ như một túp lều đơn sơ.

Năm 2002, con trai đầu lòng Huỳnh Nhật Giang thi đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ, khoa Sư phạm, ngành Sử, thầy Tuấn phải bán đi 2 công ruộng được 5 chỉ vàng để trang trải nợ và có tiền cho con lên Cần Thơ ăn học. Năm 2003, người con thứ hai Huỳnh Nhật Hải thi đỗ đại học, ông bán hết 3 công ruộng còn lại được 3 cây vàng. Tiền này ông mua một xe gắn máy Trung Quốc để chạy xe ôm, số còn lại chu cấp cho hai con ăn học ở Cần Thơ. Cũng năm này, lần thứ 9 thầy Tuấn dời nhà về một mảnh đất mượn tạm của người bạn thân.

* Niềm vui là sự hiếu học của các con

Được biết, trước đây mỗi khi gia cảnh quá khó khăn thầy Tuấn lại lần lượt gởi các con về nội ở Bình Thuận nhờ nuôi giúp và tiện cho việc học hành của chúng. Huỳnh Nhật Giang về học ở Bình Thuận từ lớp 8 đến lớp 12. Huỳnh Nhật Hải học từ lớp 6 đến lớp 9. Huỳnh Nhật Yến học từ lớp 4 đến lớp 5. Hồi ở đại học, có lúc hai anh em Giang và Hải chỉ ăn một suất cơm, chi tiêu rất tằn tiện. Trong sự thành đạt của ba người con thì ông bà nội ngoại góp công sức rất lớn.

Vốn là người cần cù chịu khó lại biết nhiều nghề, thầy là giáo viên trụ cột của Trường Tiểu học Phong Thạnh A, được đồng nghiệp và nhân dân quý mến. Sau khi được đi học hoàn chỉnh Trung học Sư phạm, rồi học tiếp lớp cán bộ quản lý, thầy Tuấn được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Thạnh A . Được biết, phòng học, bàn ghế, tủ kệ của trường hư chỗ nào ông tự sửa chỗ ấy, không mất tiền thuê thợ, lại nhanh.

Thầy Tuấn nói trước đây có lúc túng quá vợ yếu con đau, không có tiền mua thuốc, mua gạo, ông đã phải đi vay “nóng” trả lãi cao tới 10%/ngày. Vay 1 triệu đồng, cứ một ngày phải trả lãi 10 ngàn đồng, một tháng trả lãi hết 300 ngàn đồng, “lãi mẹ đẻ lãi con”. Còn bây giờ, niềm vui của gia đình thầy là hai cậu con trai đã có việc làm ổn định. Cô con gái út Huỳnh Nhật Yến đang chờ giấy báo nhập học đại học. Thầy Tuấn nói: “Nỗi lo của tôi đã vơi đến 90%, vì có hai anh của Yến san sẻ gánh nặng cho ba má, nuôi em ăn học”. Có lẽ cả ba người con của thầy Tuấn đã tiếp nối được truyền thống hiếu học của gia đình, lại thấy ba má nghèo khổ nên đều rất chăm học. Huỳnh Nhật Giang đang là giáo viên dạy Sử ở Trường THPT Giá Rai. Huỳnh Nhật Hải là phóng viên báo Khuyến học và Dân trí, làm việc ở cơ quan thường trú tại TP Cần Thơ. Hai anh em đã tích lũy tiền mua được hơn 200 m2 đất để dựng lại căn nhà.

Thật đáng trân trọng, cảm phục biết bao ý chí và nghị lực của những người như vợ chồng thầy Tuấn, suốt một đời cực khổ, nuôi con ăn học nên người. Mừng cho gia đình thầy Tuấn sẽ có lần dời nhà thứ 10 về chính mảnh đất mà hai cậu con trai vừa mua được. Vợ chồng thầy sẽ được ở trong một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn. Điều đó sẽ đến không xa nữa, bởi tôi tin ở nghị lực của những thành viên trong gia đình thầy giáo Tuấn.

Bài, ảnh: LÊ XUÂN

Chia sẻ bài viết