18/03/2012 - 08:51

Bài vè của má tôi

Ngay từ khi tôi còn nhỏ xíu, đã nghe má đọc mấy câu vè: “Bạc không cánh bay đâu chẳng biết. Vàng không chân mấy chiếc cũng không còn...”. Má tôi lặp đi, lặp lại khiến mấy anh em tôi thuộc lòng từ hồi nào chẳng biết. Sau này, lớn lên chút đỉnh có lần tôi hỏi: “Sao má đọc mấy câu đó hoài vậy? Hoàn cảnh nhà mình bây giờ cũng đỡ rồi mà”. - “Tại con hổng biết, chớ đây là bài “Vè kinh tế” mà má thuộc lòng từ hồi nhỏ...”. Thấy lạ lạ tôi đã nhờ má đọc cho tôi chép lại cả bài, có thể không chính xác từng chữ nhưng với một bà lão trên 70 tuổi, việc đọc thuộc lòng cả 94 câu của bài vè là đã quá tốt rồi dù cũng phải cả một tuần lễ mới xong. Qua sự việc này tôi chợt nhận ra một điều đó là sức sống mãnh liệt cũng như ảnh hường sâu rộng của “vè”, một loại hình văn học dân gian rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam xưa.

Má tôi nói bài vè này của ông Năm Của người làng Rạch Cam, Long Tuyền được truyền miệng rộng rãi vào khoảng thập niên 30 thế kỷ trước tại làng Tân Thới, Phong Phú, Phong Dinh. Đọc kỹ lại bài vè và nghiên cứu thêm tài liệu tôi có được một số hiểu biết cũng không kém phần thú vị.

***

Trong Đại Nam quốc âm tự vị, việc sáng tác vè nói nôm na là đặt chuyện khen chê có ca vần. Định nghĩa này còn đơn giản, nhưng đã nêu được những đặc trưng cơ bản của vè. Vè chính là thể loại tự sự dân gian bằng văn vần, chủ yếu nhằm phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thật, việc thật ở từng địa phương, những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống nhân dân.

Chưa có cơ sở xác định vè có từ bao giờ? Nhưng nhiều người cho rằng vè nảy sinh chủ yếu trong thời kỳ phong kiến và phát triển nhất trong thời kỳ cận đại ở các thế kỷ XVIII, XIX, XX. Sự xuất hiện của vè là một bước tiến mới của văn tự sự dân gian. Vè xuất hiện để bổ sung cho lối kể chuyện bằng văn xuôi một cách thể hiện mới có vần có nhịp, qua đó biểu hiện nội dung các vấn đề xã hội mà nhân dân muốn nêu lên.

Vè thế sự ghi nhận thực trạng đời sống nhân dân. Vè thế sự có giá trị hiện thực hơn cả là những bài đả kích ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến. Từ những sự kiện cụ thể, nhân dân bài vè đã cho người nghe thấy được những nguyên nhân xã hội dẫn đến cuộc sống khốn cùng. Vè thế sự miêu tả rất sinh động cuộc sống nhân dân, phản ánh hiện thực xã hội nước ta dưới ách thống trị thực dân phong kiến.

Trong phần mở đầu bài “Vè kinh tế”

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè kinh tế
Ngồi suy nghĩ xem trong cuộc thế
Thấy nhân dân kinh tế mà thương
Chẳng qua là Nam Việt vô Vương thảm thiết

Bài vè đi thẳng vào vấn đề: Nam bộ đã không còn “chủ quyền” mà nằm dưới quyền sinh sát của người Pháp.

Đại Pháp cầm quyền chấp trưởng
Tưởng đâu Nam kỳ
Vui hưởng thái bình...
Để rồi có cái nhìn hết sức chua chát và châm biếm sâu sắc:

...

Trong làng tổng người người xốn mắt
Bọn Hội tề, quan Chánh lớn
Động lòng chắc lưỡi lắc đầu
Thế này qua năm tới lúa đâu mà nộp
Nhà nước hết lòng bảo hộ nhân dân!

Những chi tiết trong bài “Vè kinh tế” mà khi đọc nó lại làm tôi liên tưởng đến một số tác phẩm văn học miêu tả bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Tác giả bài “Vè kinh tế”, một nghệ sĩ dân gian nào đó đã không bỏ qua chi tiết nào từ những cái rất chung, rất tiêu biểu đến những cái rất cụ thể mà hết sức chân thật như:

Một lần bão lụt năm Thìn
Đã hao tốn xứ mình vô hạn
Mùa màng thất bát
Giá lúa đồng sáu, đồng ba
Một đầu thuế tính ra là năm giạ
Qua năm Tuất điềm trời cũng lạ
Giá lúa sụt một giạ còn hai cắc ngoài
Biết làm sao đóng nổi lá bài
Đi làm mướn tối ngày có một cắc mấy...

Hay:

Chệt bán buôn bỏ phố trốn về Tàu...

Chính là đề cập đến chủ trương sử dụng lá bài Hoa kiều của Nhà nước Pháp quốc lúc bấy giờ vì tư bản Hoa kiều là những kẻ có đủ sức mua những hàng hóa của Pháp để bán lại ở Việt Nam.

Hoặc:

...Lập bộ đất cắn răng mà chịu
Lỡ chân rồi khó liệu, khó lo
Dòm nhà nào cũng bữa đói, bữa no
Nhổ bông súng, móc củ co cũng còn dễ thở...

Chính là cách làm bần cùng hóa nông dân của nhà nước bảo hộ khiến họ phải bán ruộng đất cho địa chủ với giá rẻ.

Nhìn chung, mỗi bài vè có giá trị nghệ thuật khá độc đáo riêng của nó. Phần lớn các bài vè có vận mệnh ngắn ngủi, thời gian cần thiết để đạt tới một hình thức hoàn chỉnh, trau chuốt ít có được. Thế nhưng, bài “Vè kinh tế” này đã sống gần một thế kỷ dù có thể hiện nay chỉ một mình má tôi nhớ đến nó.

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết